Mỹ vào thế khó khi cố thu hẹp khoảng cách về tàu phá băng với Nga
Khi Mỹ bắt đầu tăng cường tập trung vào Bắc Cực thì khoảng cách giữa hạm đội tàu phá băng của nước này và Nga đã trở thành một mối lo ngại.
Vào giữa tháng 8, hỏa hoạn xảy ra trên tàu phá băng hạng trung Healy của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, phương tiện này phải dừng hành trình đến Bắc Cực và trở về cảng ở Seattle. Tàu Healy có nhiệm vụ chính là hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chỉ còn sở hữu một tàu phá băng đang hoạt động là Polar Star đã 44 năm tuổi. Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết Polar Star là tàu phá băng hạng nặng duy nhất của Mỹ nhưng đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ vào cuối tháng 10 thông báo do Healy tạm nghỉ, Polar Star được điều động đến Bắc Cực để “hỗ trợ bảo vệ chủ quyền biển quốc gia và an ninh trong khu vực”. Đây là lần đầu tiên Polar Star được điều động đến Bắc Cực thực hiện nhiệm vụ phi khoa học kể từ năm 1994. Động thái này diễn ra ở thời điểm Mỹ chủ trương tái thiết hạm đội tàu phá băng và “để mắt” hơn đến Bắc Cực, nơi tình trạng biến đổi khí hậu khiến khu vực này ngày càng dễ tiếp cận.
Vài ngày sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ công bố về nhiệm vụ của Polar Star, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi vai trò của tàu phá băng trong kế hoạch Bắc Cực của chính phủ nước này. Nga sở hữu tới 50 tàu phá băng và dự kiến sẽ mở rộng hạm đội này.
Về phần mình, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ dự kiến đóng thêm 3 tàu phá băng hạng nặng. Hợp đồng về chiếc tàu phá băng đầu tiên đã hoàn thành với kỳ vọng phương tiện này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2024. Vào mùa Hè năm nay, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi đến năm 2029 có “hạm đội tàu phá băng sẵn sàng được triển khai”.
Không chỉ có Mỹ và Nga, một số quốc gia khác cũng tăng cường hoạt động tại Bắc Cực. Hải quân Canada đã nhận chiếc đầu tiên trong 6 tàu tuần tra ngoài khơi Bắc Cực có khả năng phá lớp băng dày. Gần đây, tàu nghiên cứu mới của Anh được thiết kế để hoạt động ở vùng nước có băng dày cũng đã thử nghiệm lần đầu.
Trung Quốc sở hữu 2 tàu phá băng đang hoạt động. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Trung Quốc tự nhận là “quốc gia gần Bắc Cực” và có tham vọng tiếp cận nhiều hơn nguồn tài nguyên còn ẩn mình ở khu vực này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia gợi ý các chính khách không nên tập trung quá nhiều vào tàu phá băng cho an ninh Bắc Cực. Bà Elizabeth Buchanan tại Đại học Deakin (Australia) đánh giá thay đổi về lượng băng tại Bắc Cực sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu quả của tàu phá băng.
Giáo sư Paul Avey tại Đại học Công nghệ Virginia đưa ra ý kiến: “Về mặt quốc phòng, tôi cho rằng phương pháp tốt nhất để đối trọng với Trung Quốc và Nga tại Bắc Cực và Nam Cực là tập trung vào những vấn đề ở Đông Âu cùng Tây Thái Bình Dương”.
Năm 2019, Tổng thống Trump đã đưa ra bản ghi nhớ “bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ tại Bắc Cực và Nam Cực”, kêu gọi chính quyền lập kế hoạch để đến năm 2029 đóng ít nhất ba tàu phá băng cỡ lớn và đề xuất địa điểm xây dựng hai căn cứ hỗ trợ ở Mỹ và hai căn cứ ở nước ngoài. Khi đó nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh hạm đội tàu phá băng mới sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ về an ninh quốc gia và kinh tế.
Cùng năm 2019, khi nhận được câu hỏi Mỹ coi Nga là đối tác hay đối thủ cạnh tranh ở Bắc Cực, Bộ trưởng Hải quân Mỹ khi đó Richard Spencer nói: “Nga đóng cả hai vai trò”. Trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018, Washington nhấn mạnh Bắc Cực là khu vực “cạnh tranh sức mạnh lớn”.
Bắc Cực chiếm 30% trữ lượng khí gas tự nhiên và 13% dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới. Từ “chưa được khai thác” chính là điểm mấu chốt. Ngoài ra, hãng tin CNBC (Mỹ) cho biết tại Bắc Cực còn tồn tại trữ lượng lớn khoáng sản và kim loại quý như vàng, bạc, đồng, kim cương, titan...
Nhưng việc tiếp cận được nguồn tài nguyên thiên nhiên này được đánh giá khá khó khăn bởi diện tích rộng lớn và xa xôi của Bắc Cực. Hoạt động tại Bắc Cực cũng gặp nhiều trở ngại bởi thời tiết giá lạnh khắc nghiệt gây ảnh hưởng tới máy móc, liên lạc và nhân lực vận hành.