Mỹ viện trợ thêm gần 4 tỷ USD cho Ukraine, gửi cả tên lửa phòng không
Ngày 6/1, chính phủ Mỹ công bố gói viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có trang bị tên lửa phòng không mới.
Ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này sẽ viện trợ hơn 3,75 tỷ USD để giúp Ukraine và các quốc gia đồng minh ở sườn phía đông của NATO bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jean Pierre cho biết: “Mỹ sẽ thể hiện cam kết ủng hộ lâu dài và liên tục đối với Ukraine bằng việc công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 3,75 tỷ USD.
Bà Pierre nói rằng khoản viện trợ mới này sẽ cho phép Mỹ cung cấp cho Ukraine và những quốc gia liên quan khác các khí tài có tổng giá trị lên đến 2,85 tỷ USD từ kho dự trữ thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cụ thể, gói viện trợ mới gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, pháo tự hành, xe chống phục kích bằng mìn (MRAPS), tên lửa đất đối không và các phương tiện chở quân. Ngoài ra, gói viện trợ mới của Washington cho Kiev cũng gồm tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow.
RIM-7 Sea Sparrow là hệ thống phòng không bổ sung cho Ukraine với hy vọng giúp nước này hạn chế tấn công bằng tên lửa của Nga. Hệ thống này do tập đoàn Raytheon Technologies và General Dynamics sản xuất.
Trong khi đó, xe chiến đấu bọc thép Bradley được Mỹ sử dụng thường xuyên để chở quân đi khắp các chiến trường từ giữa những năm 1980. Quân đội Mỹ có hàng nghìn xe Bradleys, dự kiến chuyển cho cho Kiev 50 xe loại này.
Ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết các lực lượng Ukraine sẽ được huấn luyện để sử dụng xe bộ binh chiến đấu Bradley trong vài tuần tới.
Trước đó, hôm 21/12/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, thuộc gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác tăng cường" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.
Quyết định gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đưa ra bất chấp những cảnh báo từ Nga.
Moscow cho rằng việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích. Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev, cho rằng động thái này kéo dài cuộc xung đột. Ông tuyên bố Nga sẽ phá hủy các hệ thống phòng không Patriot nếu Mỹ cung cấp chúng cho Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, Đức ngày 6/1 thông báo sẽ chuyển cho Ukraine một tiểu đoàn xe chiến đấu bộ binh Marder, tương đương khoảng 40 chiếc, cùng các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot từ kho của quân đội nước này. Giới chức Đức cho biết đợt chuyển giao dự kiến diễn ra trong quý I/2023.
Ukraine từ lâu kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều loại vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây miễn cưỡng chuyển giao các loại khí tài này do lo ngại bị lôi kéo thêm vào xung đột hoặc khiêu khích Nga.
Trước khi Mỹ và Đức thông báo viện trợ thiết giáp cho Ukraine, Pháp thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh AMX-10 RC mà nước này phân loại là xe tăng hạng nhẹ.