Theo trang Sohu của Trung Quốc, việc Nga thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh, cụ thể là sử dụng tổ hợp phòng không A-235 Nudol để bắn hạ vệ tinh cũ của Liên Xô mang tên Cosmos 1408 đã gây xôn xao cộng đồng quân sự quốc tế.
Sự kiện trên gây ra phản ứng vô cùng mạnh mẽ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Washington khẳng định mảnh vỡ từ vệ tinh bị bắn hạ đe dọa sự an toàn của Trạm Vũ trụ Quốc tế và Moskva lẽ ra phải cảnh báo về ý định tiến hành vụ thử.
Mặc dù vậy, tờ Sohu nhắc lại: “Nước Mỹ đã bắn hạ vệ tinh của chính họ vào năm 2008, cụ thể là vệ tinh USA-193 bị phá hủy bởi tên lửa đánh chặn SM-3 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS được một tàu khu trục phóng đi".
"Vì một số lý do, sau đó không ai nói về mối đe dọa và cũng chẳng có phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, theo như những gì Washington thể hiện thì họ được phép làm điều này, vậy tại sao nước Nga lại không thể?", tờ Sohu nhận định.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích đến từ Trung Quốc, cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga đang gây ra nguy hiểm cho vệ tinh của tất cả những quốc gia trên thế giới là điều vô cùng phi lý.
Tờ Sohu nhấn mạnh: “Cuộc thử nghiệm của Nga hoàn toàn mang tính chất phòng thủ và Moskva vẫn luôn ủng hộ việc ngăn không gian trở thành chiến trường, kêu gọi sự minh bạch trong lĩnh vực quân sự hóa vũ trụ".
"Vụ thử tên lửa chống vệ tinh mới diễn ra chỉ là kết quả từ việc Mỹ không đồng ý ký kết hiệp ước ngăn chặn việc triển khai vũ khí trong không gian, đây là phản ứng đúng mức từ phía Nga”.
Ngoài ra nỗ lực của nước Mỹ nhằm thu hút sự chú ý của thế giới vào vũ khí chống vệ tinh của Nga là một lời quảng cáo tuyệt vời, cho thấy Nga đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho những cuộc tấn công từ quỹ đạo Trái đất.
“Trước những tuyên bố từ phương Tây, người ta nên tính đến một thực tế đó là nhận xét của họ càng tồi và họ càng phản ứng mãnh liệt thì lại càng chứng tỏ cuộc thử nghiệm đã thành công. Nếu chúng không hiệu quả, thì Mỹ chắc chắn sẽ không phản ứng theo cách này”, Sohu viết.
Tờ báo Trung Quốc nói thêm, những thành công về quân sự của Nga luôn khiến Mỹ và đồng minh NATO ghen tức. Đồng thời các cáo buộc cho rằng Moskva đang đe dọa tất cả mọi quốc gia trên thế giới bằng hành động của mình rõ ràng sai sự thật.
“NATO và Mỹ muốn thấy Nga yếu đi, và mỗi khi nước này trình diễn thử nghiệm vũ khí tiên tiến, họ thường tỏ ra vô cùng không hài lòng. Đây là lý do tại sao phương Tây luôn cố gắng khuấy động các sự kiện".
"Hiện tại phía Mỹ tuyên bố rằng mỗi loại vũ khí mới được họ phát triển là 'một bước tiến tới hòa bình thế giới', trong khi bất kỳ vụ thử nào của Nga tất nhiên là một 'hành động liều lĩnh'", tờ Sohu kết luận.
Vấn đề được quan tâm tiếp theo đó là nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá Mỹ sẽ cố gắng thực hiện vụ thử tương tự với một vệ tinh ở độ cao lớn hơn Cosmos 1408 vừa bị bắn hạ.
Nếu điều này xảy ra, không rõ NATO có bày tỏ quan ngại, thậm chí đưa ra những lời lên án mạnh mẽ như vừa thực hiện với Nga hay không?
Bạch Dương