Mỹ: Vụ SVB có sự 'đóng góp' của truyền thông

Tuần trước, tờ 'The New York Times' (NYT) của Mỹ đã đăng một bài viết nhận xét rằng lĩnh vực công nghệ ở Thung lũng Silicon sẽ bị tê liệt nghiêm trọng do sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, hay SVB, chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ.

Lý do là vì các công ty khởi nghiệp (startup) và đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ sẽ mất một phần lớn tài sản nằm trong các tài khoản không được bảo hiểm tại SVB cũng như mất khả năng tiếp cận ngân hàng vốn được coi là trụ cột tài chính, nguồn cung cấp tín dụng chính cho họ.

“Thuốc độc giải khát”

Mặc dù không tái diễn vụ sụp đổ của định chế tài chính khổng lồ Lehman Brother, sự phá sản của SVB đã dẫn đến “hiệu ứng cánh bướm”, kéo theo một số ngân hàng cỡ trung và cỡ nhỏ ở Mỹ lâm vào khủng hoảng. Hiện tại, tình hình đã được kiểm soát sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là FED tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến. Theo thông tin của tờ “The Wall Street Journal”, hiện Mỹ có hơn 186 ngân hàng có thể đang tồn tại rủi ro tương tự như SVB.

Vụ sập ngân hàng SVB được ví như "cú sốc Lehman của thế giới công nghệ".

Vụ sập ngân hàng SVB được ví như "cú sốc Lehman của thế giới công nghệ".

Trong bối cảnh vừa phải trả giá cho chính sách lãi suất cấp tiến, vừa hỗ trợ tài chính cho SVB, việc FED tiếp tục tăng lãi suất khiến thị trường lo lắng về những rủi ro nguy hiểm đối với các ngân hàng nhỏ và vừa. Sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại chắc chắn là uống “thuốc độc để giải khát”, sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thị trường tài chính. Khi áp dụng chính sách “lãi suất bằng 0”, trái phiếu kho bạc Mỹ biến thành “bánh ngọt”. Đến khi FED tăng lãi suất mạnh, chiếc bánh ngọt này nhanh chóng biến thành nợ xấu của nhiều ngân hàng, thiệt hại rất nghiêm trọng. Chỉ cần khách hàng đổ xô rút tiền, mọi thứ chỉ có thể giải quyết bằng… phá sản.

Tác động đối với giới công nghệ

Sự sụp đổ của SVB đến vào thời điểm khó khăn đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong khi các gã khổng lồ công nghệ cắt giảm hàng chục nghìn lao động để giảm chi phí hoạt động trong thời gian qua. Matt Higgins, Giám đốc điều hành của RSE Ventures, cho biết: “SVB rất quan trọng đối với lĩnh vực này, họ không chỉ cung cấp dịch vụ trả lương, các khoản vay cho những người sáng lập đối với khoản tín dụng kém thanh khoản, mà còn cung cấp cả các hạn mức tín dụng.”

Thúc đẩy hoảng loạn?

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với tài sản 209 tỷ USD. Cú sập của SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau Washington Mutual hồi năm 2008. Hiện giờ khủng hoảng đã được kiểm soát và hậu quả của nó không đến mức nghiêm trọng như hồi năm 2008. Chính phủ, cụ thể là FDIC, đã đứng ra đảm bảo cho tất cả các khách hàng gửi tiền ở SVB, thậm chí cho cả những ai có tài khoản nhiều hơn mức giới hạn mà Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) chấp nhận 250.000 là USD, khiến tình hình đã ổn định lại, không kích hoạt “bank run”, tức tình trạng người dân đổ xô đến các ngân hàng rút tiền ồ ạt.

Tuần trước, NYT đã đăng một bài viết nhận xét rằng lĩnh vực công nghệ ở Thung lũng Silicon sẽ bị tê liệt nghiêm trọng sau vụ sụp đổ của SVB, vì các công ty công nghệ sẽ mất một phần lớn tài sản nằm trong các tài khoản không được bảo hiểm tại SVB, cũng như sẽ mất khả năng tiếp cận nguồn cung cấp tín dụng chính này. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính, đó là thông tin thiếu căn cứ. Họ phân tích rằng điểm đầu tiên không có khả năng xảy ra ngay cả vào thời điểm NYT đăng bài báo đó. Hôm 17/3, FDIC đã đưa ra một thông báo cho biết họ sẽ thanh toán tạm ứng cho người gửi tiền số tiền không được bảo hiểm trong tài khoản của họ vào tuần tới. Cơ quan độc lập giám sát và bảo chứng lượng tiền ký thác ở các ngân hàng Mỹ này cũng cho biết sẽ cấp cho người gửi tiền một phiếu chứng nhận cho số tiền còn lại, giá trị của nó sẽ phụ thuộc vào số tiền họ có thể huy động được bằng cách bán tài sản của SVB.

Mặc dù những người gửi tiền sẽ phải đợi FDIC hoàn tất quy trình giải quyết để biết cuối cùng họ sẽ nhận được bao nhiêu từ phiếu chứng nhận, nhưng họ gần như chắc chắn có thể bán chúng cho các nhà đầu tư vào ngày chúng được phát hành. Những người gửi tiền có thể sẽ bị lỗ, nhưng gần như chắc chắn ở mức thấp hơn 15% và rất có thể là gần 5%.

Nói tóm lại, ý tưởng về việc các công ty ở Thung lũng Silicon sẽ thấy tiền trong tài khoản của họ “bốc hơi” hoàn toàn là điều vô nghĩa. Mất từ 5% đến 15% số cổ phần trên 250 nghìn USD chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh, nhưng thật khó để tin rằng điều này sẽ phá hủy một doanh nghiệp đang phát triển mạnh.

Về điểm thứ hai, mặc dù các ngân hàng khác có thể không cung cấp dịch vụ hoàn toàn giống như SVB cho các công ty ở Thung lũng Silicon, các ngân hàng nhìn chung rất sẵn sàng cho các công ty phát triển mạnh vay vốn. Ngoài ra, một phần tổn thất là của cá nhân các doanh nhân, không phải của công ty. Bốn nhân chứng cho biết “các khoản vay mua nhà từ SVB 'an toàn' hơn đáng kể so với các khoản vay từ các ngân hàng truyền thống”. Tuy nhiên, trong một bản cập nhật hôm 21/3, NYT đã trích dẫn bài đăng trên mạng xã hội của Sara Mauskopf, một chủ doanh nghiệp nhỏ có tài khoản tại SVB, trong đó kể lại những trải nghiệm của bà kể từ lúc lần đầu tiên biết tin về những rắc rối của ngân hàng này qua một thông báo vào chiều 19/3 cho biết mọi người sẽ có quyền truy cập ngay vào toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ.

Thật lạ, bài báo chưa một lần đề cập tuyên bố của FDIC khi tiếp quản ngân hàng, rằng họ sẽ cấp một khoản thanh toán tạm ứng trong vòng vài ngày và chứng nhận cho số tiền còn lại trong tài khoản. Có thể bà Mauskopf không biết về thông báo này cũng như cam kết rằng bà có thể rút phần lớn số tiền trong tài khoản gần như ngay lập tức. Nếu đúng, đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời để các phương tiện truyền thông nghiêm túc theo dõi. Có phải bà Mauskopf là điển hình trong số những người gửi tiền ở SVB không biết rằng phần lớn tài khoản của họ sẽ có thể sử dụng trong vòng một tuần kể từ lúc ngân hàng bị tịch thu tài sản thế chấp?

Nếu vậy, tại sao người gửi tiền không nhận được thông tin đầy đủ hơn về thực tế này? Điều này có thể là do các cơ quan tin tức như “The New York Times” quan tâm đến việc thúc đẩy sự hoảng loạn hơn là cung cấp thông tin?

Nguyệt Ánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/my-vu-svb-co-su-dong-gop-cua-truyen-thong-i687979/