Mỹ vừa giả lập một cuộc tấn công tàu chiến Trung Quốc như thế nào?
Hải quân Mỹ vừa cho chúng ta thấy cách họ có thể chống lại hạm đội Trung Quốc bằng các robot tàng hình, hệ thống thông tin liên lạc tinh vi và tàu chiến mạnh mẽ bắn tên lửa công nghệ cao ở khoảng cách xa.
USS John Finn bắn một tên lửa SM-6/ HẢI QUÂN MỸ
Tuần trước, Hải quân Mỹ đã cho xuất kích, từ San Diego, một đội tàu nổi và tàu ngầm có người lái và không người lái. Thủy thủ đoàn bố trí các phương tiện không người lái để hỗ trợ các tàu.
Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt USS Michael Monsoor, có vẻ đã trưng ra một hệ thống liên lạc thử nghiệm trên boong đáp trực thăng của nó. Con tàu dẫn đầu các tàu khác thuộc Hải đội Khu trục 21 tiến vào Thái Bình Dương.
Những gì tiếp theo là một loạt các thử nghiệm và các trận chiến giả lập kết hợp giữa các hệ thống có người lái và không người lái. Tàu robot đi dọc theo các tàu chiến đấu gần bờ. Một tàu ngầm tấn công phóng một thiết bị lặn không người lái dưới nước. UAV luôn bay trên không trong thời gian đó.
Đây có thể xem là viễn cảnh tương lai có thể có của Hải quân Mỹ khi họ cấu hình lại cho chiến tranh công nghệ cao chống lại các lực lượng của quân đội Trung Quốc (PLA). Giải phóng quân Nhân dân đang triển khai các hệ thống “chống tiếp cận” bao gồm tàu ngầm, máy bay ném bom và tên lửa, có thể khiến tây Thái Bình Dương trở thành một nơi rất nguy hiểm đối với tàu Mỹ.
Hải quân Mỹ đang đặt cược vào máy bay không người lái để giúp giải quyết vấn đề chống tiếp cận. Họ đã đề xuất bổ sung hàng trăm tàu không người lái và tàu ngầm vào đội tàu hiện có với khoảng 300 tàu có người lái.
Ý tưởng là để robot trinh sát các tàu Trung Quốc, mở rộng phạm vi cảm biến của hạm đội Mỹ và hỗ trợ các khí tài có người lái — khu trục hạm và tàu ngầm — ở bên ngoài phạm vi mà PLA có thể tấn công.
Kế hoạch nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng phát huy tác dụng thế nào trong thế giới thực? Sự kiện gần đây có thể cho công chúng thấy một cuộc chiến trên biển tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể diễn ra như thế nào. Sau nhiều ngày thử nghiệm, Hải quân Mỹ đã tổ chức một cuộc thử nghiệm ấn tượng về khái niệm không người lái.
Trong cuộc tập trận giả lập, tàu đổ bộ USS Anchorage nhả ra một sà lan mô phỏng tàu chiến của đối phương. Chiếc sà lan dường như mang theo các bộ phát tín hiệu radio, radar và các thiết bị điện tử khác. Tàu khu trục USS John Finn đứng ngoài đường chân trời - chính xác khoảng cách bao xa là một bí mật - và bắt đầu một cuộc săn lùng tàu địch giả lập.
UAV và tàu robot băng qua đại dương. Để tránh bị phát hiện, chúng tắt các cảm biến, sử dụng máy thu tín hiệu điện tử thụ động để "lắng nghe" phát xạ điện tử của đối phương.
Các máy bay không người lái đã xác định chính xác vị trí tàu địch và chuyển dữ liệu đến một vệ tinh để chuyển nó đến khu trục hạm John Finn. Tàu khu trục bắn một tên lửa SM-6. Theo Hải quân Mỹ, quả tên lửa trị giá 5 triệu USD - có thể bắn trúng các mục tiêu trên biển hoặc trên không - đã tấn công tàu địch “vượt xa tầm nhìn”.
Không rõ tên lửa đã bay được bao xa. Về lý thuyết, tên lửa siêu âm SM-6 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa 300 km.
Khoảng cách liên quan là một lý do để hải quân Mỹ ăn mừng. Lý do khác là không có phương tiện nào tham gia vụ bắn thủ bật radar. Họ vẫn lén lút hết mức có thể trong suốt cuộc tập trận.
Các chuyên gia đồng ý - tầm bắn và khả năng tàng hình là những điều kiện tiên quyết để chống lại lực lượng Trung Quốc. Cuộc thử nghiệm cho thấy Hải quân Mỹ đang coi trọng những phẩm chất này.