Mỹ xem xét triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á để đối phó Trung Quốc

Mỹ sẽ nói chuyện với các đồng minh châu Á về triển khai tên lửa tầm trung đang được phát triển để chống lại 'mối đe dọa trước mắt' từ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, cho biết Washington muốn đàm phán với một số nước châu Á "về mối đe dọa trước mắt từ việc tăng cường hạt nhân của Trung Quốc, không chỉ đối với Mỹ mà còn là với họ, và các loại năng lực mà chúng tôi sẽ cần để bảo vệ liên minh trong tương lai".

Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với Nikkei hôm 14/8, ông Billingslea cho biết Mỹ đang nghiên cứu chế tạo loại tên lửa hành trình tầm trung, phi hạt nhân, phóng từ mặt đất. Việc này bắt đầu vào tháng 8/2019 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga (INF), vốn cấm các loại vũ khí này.

 Tên lửa hành trình được phóng từ California trong một vụ thử nghiệm. Ảnh: Reuters.

Tên lửa hành trình được phóng từ California trong một vụ thử nghiệm. Ảnh: Reuters.

Ông Billingslea nói rằng loại vũ khí này "chính xác là loại năng lực phòng thủ mà các quốc gia như Nhật Bản sẽ muốn và sẽ cần trong tương lai".

Tên lửa mới được cho là có tầm bắn 1.000 km. Tầm bắn này không đủ xa để tiếp cận Trung Quốc kể cả từ đảo Guam, có nghĩa là nó sẽ cần được triển khai ở châu Á như một biện pháp đối phó hiệu quả.

Ông Billingslea cũng lưu ý rằng nhiều nhánh của quân đội Mỹ đang phát triển vũ khí siêu thanh. Những vũ khí này di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh hoặc hơn và gây ra vấn đề cho các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống. Chúng có khả năng chống lại chiến lược chống tiếp cận và chống xâm nhập (A2/AD) mà Bắc Kinh áp dụng để ngăn cản lực lượng Mỹ triển khai sức mạnh ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Vũ khí siêu thanh "có khả năng phòng thủ rất ổn định, đảm bảo các đồng minh, bạn bè và đối tác của chúng tôi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được bảo vệ và Trung Quốc không thể đe dọa quân sự, giữa lúc họ cố gắng vẽ lại ranh giới và thẩm quyền", ông Billingslea nói.

 Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí. Ảnh: AP.

Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí. Ảnh: AP.

Khi được hỏi về việc chính phủ Nhật Bản thảo luận vấn đề phát triển năng lực phản công các căn cứ tên lửa của đối phương như giải pháp thay thế cho lá chắn tên lửa Aegis Ashore đã bị ngừng triển khai, ông Billingslea nói rằng những năng lực đó "sẽ có giá trị".

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Tokyo không nên bỏ qua việc phòng thủ tên lửa thông thường. "Khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chuẩn bị diễn ra có thể rất quan trọng", ông nói.

Ông Billingslea tham gia vào việc phát triển chính sách an ninh dưới thời Tổng thống Trump và được biết là người có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc.

Ông là người đại diện cho Mỹ trong cuộc đàm phán với Nga về một hiệp ước hạt nhân mới. Ông lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, tổ chức toàn cầu hoạt động chống tài trợ cho khủng bố, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại hồi tháng 4.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-xem-xet-trien-khai-ten-lua-tam-trung-o-chau-a-de-doi-pho-trung-quoc-post1119950.html