Mỹ xét lại toàn bộ quan hệ với Trung Quốc?

Một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể kéo dài cả thế hệ và dẫn đến sự chia rẽ phần lớn thế giới thành 2 khối thân Trung Quốc và thân Mỹ

Chính quyền Tổng thống Donald Trump và giới lập pháp Mỹ tiếp tục có những động thái cứng rắn nhằm vào Trung Quốc.

Theo sắc lệnh hành pháp công bố hôm 30-9, ông Trump ra lệnh các bộ trưởng trong nội các xem xét sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm trong nỗ lực chấm dứt sự thống trị của Bắc Kinh đối với lĩnh vực này. Một bước đi như thế có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế nhập khẩu, như thuế quan, hạn ngạch... Ngoài ra, sắc lệnh còn nhằm mở rộng sản xuất 17 nguyên tố đất hiếm đang đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ vũ khí cho đến điện tử tiêu dùng và hiện chưa có lựa chọn thay thế.

Cùng ngày, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc tất cả công ty đại chúng phải báo cáo với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) liệu họ có tham gia bất kỳ giao dịch hàng hóa nào tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc hay không. Mục đích, theo các nghị sĩ Mỹ, là ngăn chặn cái gọi là nạn lao động cưỡng bức tràn lan tại địa phương trên dù Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.

Không dừng lại ở đó, 2 báo cáo riêng biệt của 2 ủy ban thuộc quốc hội Mỹ hôm 30-9 cho rằng Washington nên xem xét lại toàn bộ ngóc ngách trong mối quan hệ với Bắc Kinh, bao gồm thương mại, quốc phòng, năng lực tình báo...

Trong số này, báo cáo của ủy ban gồm các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thúc giục các ngành công nghiệp chủ chốt chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, đồng thời hạn chế hơn nữa một số hoạt động đầu tư liên quan đến Bắc Kinh. Báo cáo cũng chỉ trích cách ứng phó của Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại nước này vào cuối năm ngoái.

Một mỏ đất hiếm tại thị trấn Mountain Pass, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Một mỏ đất hiếm tại thị trấn Mountain Pass, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Báo cáo còn lại của Ủy ban Tình báo Hạ viện kết luận cộng đồng tình báo Mỹ đã không bắt kịp những bước tiến về công nghệ và chính trị của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, từ đó khiến các nhà hoạch định chính sách không thể nắm bắt được một thách thức chiến lược ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, báo cáo đưa ra hơn 136 khuyến nghị, trong đó có hơn 100 nội dung được xếp vào loại mật.

Trước mắt, một trong những biện pháp được chính quyền ông Trump thực hiện để ngăn Bắc Kinh thu thập công nghệ và thông tin Mỹ là từ chối cấp thị thực sinh viên cho những công dân Trung Quốc bị xem là rủi ro an ninh.

Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng rồi cho biết đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc vì "lý do an ninh", dẫn đến việc Bắc Kinh chỉ trích Washington vi phạm nhân quyền.

Đáp lại, phó cố vấn an ninh Nhà Trắng Matt Pottinger hôm 30-9 cho biết Washington chỉ từ chối cấp thị thực cho khoảng 1% trong số 400.000 du học sinh Trung Quốc và đó là những đối tượng liên quan đến quân đội Trung Quốc, lưu trú với lý do giả hoặc thậm chí là với danh tính giả.

Khó tránh chiến tranh lạnh?

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang và lan rộng khiến ông Darren Tay, nhà phân tích về Trung Quốc của Công ty Nghiên cứu dữ liệu Fitch Solutions (Mỹ), hôm 30-9 nhận định 2 nước có "những giá trị hoàn toàn trái ngược" và điều này rốt cuộc sẽ đẩy họ vào một cuộc chiến tranh lạnh mới trong những thập kỷ tới.

"Một cuộc chiến tranh lạnh mới, ý tôi là một cuộc đấu tranh kinh tế, quân sự và ý thức hệ toàn cầu, có thể kéo dài cả thế hệ và dẫn đến sự chia rẽ phần lớn thế giới thành 2 khối thân Trung Quốc và thân Mỹ..." - ông Darren Tay nói với đài CNBC. Đáng chú ý, sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, theo ông Darren Tay, có thể buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chọn phe mặc dù họ luôn muốn duy trì sự thân thiện với cả 2 nước này càng lâu càng tốt.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/washington-xet-lai-toan-bo-quan-he-voi-bac-kinh-2020100122243877.htm