Mỹ xúc tiến hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại New York, để chuẩn bị cho hội nghị này, Tổng thống Biden đã mời lãnh đạo 17 nước vốn là nguồn phát thải tới 80% lượng khí thải trên toàn cầu tham dự sự kiện trên.
Chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào tuần sau theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 14/4, đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry tới Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại ngày 13/4, ông Kerry nêu rõ giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng biến đổi khí hậu là vấn đề khác và hoàn toàn độc lập.
Ông nhấn mạnh nếu một nước không có thiện chí hợp tác với các nước khác để cùng đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước đó đang tự gây tổn hại cho chính mình và người dân của mình.
Quan chức Mỹ nêu rõ vệ tinh và các công nghệ khác cho phép nước này theo dõi được tình trạng xả khí thải trên toàn cầu và hiện các nước châu Âu đã thảo luận về việc áp mức thuế đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên lượng khí thải ra môi trường từ hoạt động sản xuất hàng hóa này.
Tuyên bố nói trên của đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu Kerry được đưa ra ngay trước thềm các cuộc gặp của ông với các quan chức của Trung Quốc tại Thượng Hải để bàn về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế khác.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục tiêu trong chuyến đi lần này của ông Kerry là đề nghị Trung Quốc tăng tốc độ giảm mức khí thải nhà kính.
Trước đó, ông Kerry cũng đã đàm phán với người đồng cấp Giải Chấn Hoa cũng như các quan chức khác của Trung Quốc về vấn đề trên. Quan chức này khẳng định cần phải có Trung Quốc cùng đàm phán mới có thể giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên Kerry đã tiến hành một loạt chuyến công du tới châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu mà Tổng thống Biden dự kiến sẽ chủ trì vào tuần tới.
Để chuẩn bị cho hội nghị này, Tổng thống Biden đã mời lãnh đạo 17 nước vốn là nguồn phát thải tới 80% lượng khí thải trên toàn cầu tham dự sự kiện trên, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa hồi đáp lời mời này.
Khi còn đang trong giai đoạn vận động tranh cử Tổng thống, Tổng thống Biden từng cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, do khí thải nhà kính là vấn đề toàn cầu nên ông sẽ không thể thực hiện cam kết của mình nếu không có sự hợp tác quốc tế.
Hiện các nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là hai nước xả khí thải nhiều nhất thế giới đóng vai trò quan trọng nhất trong giải quyết những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, song khả năng hợp tác giữa hai nước trong vấn đề là xa vời do đang vướng vào những căng thẳng thương mại chưa có hồi kết./.