Myanmar: Ba y sĩ chăm sóc bảy bệnh nhân COVID-19, máy thở chỉ mở khi có điện

Khó thở, sốt và thiếu oxy, các bệnh nhân COVID-19 ở một bệnh viện gần biên giới Myanmar với Ấn Độ đang đối mặt với cái chết cận kề khi hệ thống y tế gần như sụp đổ sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai.

Một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện thị trấn Cikha, gần biên giới Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Làn sóng dịch sát biên giới Ấn Độ

Chịu trách nhiệm chăm sóc bảy bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện thị trấn Cikha (bang Chin, Myanmar), y tá trưởng Lun Za En chỉ được hỗ trợ bởi một kĩ thuật viên phòng thí nghiệm và một trợ lý dược sĩ.

Phấn lớn những gì mà họ cung cấp cho bệnh nhân là paracetamol và những lời an ủi.

"Chúng tôi không có đủ oxy, đủ thiết bị y tế, đủ điện, đủ bác sĩ hoặc đủ xe cứu thương", y tá Lun Za En, 45 tuổi, nói với Reuters từ thị trấn hơn 10.000 dân. "Chúng tôi đang điều hành với ba nhân viên thay vì 11 nhân viên.”

Các bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 bắt đầu đến bệnh viện Cikha vào giữa tháng Năm. Bệnh viện này nằm cách biên giới Ấn Độ chỉ 6km, và các nhân viên y tế lo ngại làn sóng dịch mới có thể liên quan đến biến thể virus Ấn Độ. Tuy nhiên, họ không đủ trang thiết bị để xác định chính xác chủng virus đang lây lan ở khu vực này.

Các ca bệnh ở Cikha có thể liên quan đến virus biến chủng Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Các ca bệnh ở Cikha có thể liên quan đến virus biến chủng Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Y tá Lun Za En cho biết 24 ca bệnh đã được báo cáo ở Cikha. Trong đó có bảy ca phải nhập viện. Lệnh hạn chế ra đường đã được áp dụng ở một số vùng của bang Chin.

Nữ y tá trưởng khẳng định bệnh viện của cô đang làm những gì tốt nhất có thể với máy khí dung. Một số bệnh nhân có máy thở oxy, nhưng máy chỉ làm việc trong hai giờ mỗi ngày khi thị trấn có điện.

Từ chối bỏ rơi người bệnh, Lun Za En cho biết cô quyết định không tham gia các cuộc đình công. "Quân đội sẽ không chăm sóc bệnh nhân của chúng tôi," cô nói.

“Tôi rất lo lắng rằng làn sóng bệnh mới sẽ lan rộng ra khắp cả nước. Nếu dịch lây nhiễm lan đến các thành phố đông đúc, tình hình có thể sẽ vượt tầm kiểm soát."

Hệ thống xét nghiệm tê liệt

Trước đó, hệ thống y tế của Myanmar gần như đã sụp đổ sau khi quân đội đảo chính loại bỏ chính quyền dân sự. Nhiều bác sĩ, y tá đã đình công và tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối cuộc đảo chính.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có tổng cộng 179 cuộc tấn công nhằm vào các nhân viên, cơ sở y tế… 13 nhân viên y tế đã thiệt mạng, và khoảng 150 người đã bị bắt. Hàng trăm bác sĩ bị truy nã vì tội kích động.

Người phát ngôn của quân đội Myanmar và Bộ Y tế đều không trả lời yêu cầu bình luận. Chính phủ quân sự Myanmar đã nhiều lần thúc giục các bác sĩ trở lại làm việc, nhưng hầu hết họ đều không phản hồi.

Một nhân viên khu cách ly COVID-19 ở Yangon (Myanmar) cho biết tất cả các nhân viên y tế chuyên khoa tại đây đều đã tham gia phong trào bất tuân dân sự.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân mới, vì các trung tâm xét nghiệm COVID-19 không có người làm việc”, người này tiết lộ.

Trong một tuần trước khi xảy ra cuộc đảo chính, số xét nghiệm COVID-19 trên toàn quốc đạt trung bình hơn 17.000 mẫu/ngày. Con số này giảm xuống dưới 1.200 mẫu/ngày, tính trung bình trong vòng bảy ngày trước 26/5.

Myanmar đã báo cáo hơn 3.200 ca tử vong vì COVID-19 trên tổng số hơn 140.000 ca bệnh. Tuy nhiên, sự tê liệt của hệ thống xét nghiệm khiến nhiều người lo ngại rằng số ca bệnh và số ca tử vong không được thống kê đầy đủ kể từ sau cuộc đảo chính.

Trên khắp Myanmar, một số bác sĩ nổi tiếng đã thành lập các phòng khám ngầm để giúp đỡ bệnh nhân. Khi các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Myanmar thành lập ba phòng khám ở các khu vực lân cận Yangon, hàng chục bệnh nhân đã đến khám bệnh.

Mặc dù các bệnh viện quân sự đã được mở cửa để phục vụ dân thường, nhưng nhiều người không dám nhập viện, hoặc từ chối tuân theo quân đội - bao gồm cả việc tiêm chủng.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/myanmar-ba-y-si-cham-soc-bay-benh-nhan-covid-19-may-tho-chi-mo-khi-co-dien-post1341320.tpo