Myanmar cam kết với kế hoạch hòa bình của ASEAN
Myanmar cho biết đề cao nguyên tắc chung sống hòa bình với các nước khác và sẽ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo một 'đồng thuận' gồm 5 điểm đã được nhất trí vào tháng 4, một kế hoạch được phương Tây và Trung Quốc hậu thuẫn.
Các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar hôm Chủ nhật (24/10) đã cam kết hợp tác 'nhiều nhất có thể' với kế hoạch đã được thống nhất với ASEAN.
Các ngoại trưởng ASEAN đã quyết định vào ngày 15/10 sẽ không mời thống tướng Min Aung Hlaing tham gia cuộc họp của khối vì ông không thực hiện kế hoạch đã thống nhất trước đó, bao gồm chấm dứt thù địch, bắt đầu đối thoại, cho phép hỗ trợ nhân đạo và cho phép đặc phái viên tiếp cận đầy đủ.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị Moscow lần thứ IX về an ninh quốc tế tại Moscow, Nga ngày 23 tháng 6 năm 2021. Ảnh: REUTERS
Chính quyền Myanmar đã cáo buộc ASEAN rời xa các nguyên tắc của mình về sự đồng thuận và không can thiệp. Nước này đã từ chối đồng ý cử một đại diện Myanmar trung lập về chính trị thay vì Min Aung Hlaing dự họp.
Chủ tịch ASEAN, Brunei đã không phản ứng trước sự từ chối của Myanmar.
Hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc đàn áp hậu đảo chính ở Myanmar, với hàng nghìn người khác bị giam giữ, nhiều người bị tra tấn hoặc đánh đập, theo Liên Hợp Quốc dẫn lời các nhà hoạt động. Chính quyền bị cáo buộc sử dụng vũ lực quân sự quá mức đối với dân thường.
Chính quyền khẳng định nhiều người trong số những người bị giết hoặc bị giam giữ là 'những kẻ khủng bố' nhằm gây bất ổn đất nước. Người đứng đầu quân đội tuần trước cho biết các lực lượng đối lập đang kéo dài tình trạng bất ổn.
Đặc phái viên của ASEAN, Erywan Yusof của Brunei, đã tìm kiếm một cuộc gặp với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, nhưng chính quyền quân sự nói rằng điều đó là không thể vì bà đã bị giam giữ và bị buộc tội.
Trong thông báo hôm Chủ nhật (24/10), các nhà cầm quyền Myanmar lần đầu tiên tái khẳng định kế hoạch 5 điểm của riêng họ để khôi phục nền dân chủ, mà họ đã công bố sau cuộc đảo chính.
Quân đội khẳng định đây là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp ở Myanmar và sự tiếp quản của họ không phải là một cuộc đảo chính, mà là một sự can thiệp cần thiết và hợp pháp chống lại mối đe dọa đối với chủ quyền do đảng của bà Suu Kyi gây ra.
Mai Anh (theo Reuters)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/myanmar-cam-ket-voi-ke-hoach-hoa-binh-cua-asean-post163294.html