Myanmar chấp nhận đề xuất ngừng bạo lực với dân thường
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo quân đội Myanmar chấp nhận đề xuất ngừng bạo lực với dân thường.
“Hội nghị nằm ngoài sự mong đợi. Thống tướng Min Aung Hlaing đã đồng ý rằng bạo lực phải dừng lại”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói với các phóng viên sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với sự tham dự của Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing.
Theo tuyên bố Chủ tịch ASEAN được đưa ra sau cuộc họp 24/4, lãnh đạo các khối đã đạt được đồng thuận ở 5 điểm. Yêu cầu chấm dứt bạo lực ngay lập tức tại Myanmar, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa; các bên bắt đầu đối thoại với mục đích xây dựng, tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân; một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN sẽ điều phối quá trình đối thoại; ASEAN sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua cơ chế hỗ trợ nhân đạo của khối và đặc phái viên cùng phái đoàn ASEAN được phép vào Myanmar để gặp các bên liên quan.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing cho biết, ông không phản đối chuyến thăm của một phái đoàn từ ASEAN để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.
“Cuối cùng thì Thống tướng Min Aung Hlaing đã trả lời. Thống tướng Min Aung Hlaing nói rằng, ông đã lắng nghe chúng tôi, ông sẽ tiếp thu những điểm mà ông ấy cho là hữu ích. Ông không phản đối việc ASEAN đóng vai trò xây dựng, thực hiện chuyến thăm của phái đoàn ASEAN đến nước này để hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời, cho biết, Myanmar sẽ tham gia ASEAN với tinh thần xây dựng trong thời gian tới”, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, ASEAN sẽ cử một phái đoàn đến thăm Myanmar, cũng như bắt đầu điều phối nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho đất nước này.
“Để tổ chức một cuộc thảo luận toàn diện nhằm đạt được một giải pháp chính trị thậm chí sẽ còn khó hơn, song ít nhất chúng ta có thể thực hiện một số bước về phía trước”, ông Lý Hiển Long nói và cho biết thêm “nhưng tôi có thể nói rằng đây là một cuộc họp hiệu quả, và nó đã chỉ ra những bước tiến tiếp theo. Nếu ASEAN không họp, hoặc không thể đưa ra kết luận về vấn đề này, thì điều đó sẽ rất tồi tệ”.
Ông Lý Hiển Long cho biết, cuộc họp ASEAN rất hữu ích, cho phép lãnh đạo các nước bày tỏ quan điểm của mình.
"Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã cho chúng tôi biết sơ lược về tình hình ở Myanmar và bối cảnh: Điều gì dẫn đến các sự kiện vào ngày 1/2, những diễn biến trong các cuộc biểu tình và các biến động kể từ đó, cũng như con đường đi lên của Myanmar. Lãnh đạo các nước đã có sự thống nhất cao trong quan điểm đối với vấn đề Myanmar", ông Lý Hiển Long nói.
Sự tham dự của Tướng Min Aung Hlaing tại cuộc họp đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 lật đổ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra trong bối cảnh bất ổn bùng phát ở Myanmar. Quốc gia này rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2 khi quân đội cướp chính quyền từ tay chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Các cuộc biểu tình xảy ra trên diện rộng, liên tiếp tại quốc gia Đông Nam Á này khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, hơn 700 người đã bị giết chết và 3.000 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/myanmar-chap-nhan-de-xuat-ngung-bao-luc-voi-dan-thuong-ar608424.html