Myanmar đối diện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì COVID-19
Số ca nhiễm mới và tử vong đang tăng nhanh chóng ở Myanmar. Khi hệ thống y tế tại nước này đã gần trên bờ vực sụp đổ, những người dân địa phương đang tình nguyện giúp đỡ nhau thay vì trông chờ vào chính phủ quân sự.
Các tình nguyện viên xếp hàng đổ đầy bình oxy cho những người nhiễm COVID-19 ở Mandalay. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Myanmar: Bà Suu Kyi bị buộc thêm tội mới tại tòa án Mandalay
Ủy ban bầu cử Myanmar phát hiện gian lận ở khắp mọi nơi
Nga ủng hộ kế hoạch của ASEAN về giải quyết khủng hoảng ở Myanmar
ASEAN bế tắc trong việc lựa chọn đặc phái viên đến Myanmar
Trong một tuần, sinh viên 21 tuổi Phoe Thar đã ra ngoài từ rạng sáng để thu thập bình oxy từ nhà của những người bị COVID-19 ở thành phố Mandalay lớn thứ hai của Myanmar.
Anh và các tình nguyện viên xếp hàng bên ngoài các tổ chức từ thiện để đổ đầy bình và trở về, cố gắng cứu sống một quốc gia có hệ thống y tế đã phần lớn sụp đổ kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 và hiện đang đối mặt với sự gia tăng tồi tệ nhất các ca nhiễm COVID-19.
Phoe Thar nói với Reuters qua điện thoại từ Mandalay rằng: “Vì số lượng người cần bình dưỡng khí rất lớn, đó là một thách thức rất lớn đối với chúng tôi".
Số liệu của Bộ Y tế Myanmar cho thấy số ca tử vong do COVID-19 là 231 ca, nhưng các bác sĩ và dịch vụ tang lễ cho biết con số thực tế cao hơn nhiều và các lò hỏa táng đang quá tải. Tổng số người chết chính thức đã tăng 50% trong tháng này lên 5.000 người khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng ở những nơi khác ở Đông Nam Á.
Lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing đã kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chống dịch tại một cuộc họp về tình trạng khẩn cấp được phát trên truyền hình nhà nước hôm Chủ nhật (18/7).
"Một số người không dám tình nguyện vì bị đe dọa. Một số người muốn tham gia nhưng họ có những lý do và khó khăn khác nhau", ông nói. "Như tôi đã nói trước đây, tôi hoan nghênh họ. Cần phải có sự hợp tác".
Tờ Global New Light của Myanmar cho biết chính phủ ưu tiên sản xuất nhiều oxy hơn.
Myanmar có một hệ thống y tế vốn đã yếu kém nhất khu vực lại càng suy yếu sau cuộc đảo chính khi nhiều nhân viên y tế tham gia Phong trào bất tuân dân sự để phản đối chính quyền. Các biện pháp tiêm chủng, xét nghiệm và phòng ngừa COVID-19 đều bị đình trệ.
Một bác sĩ ngầm gần đây đã tình nguyện giúp đỡ trên mạng xã hội, cho biết ông ấy đang ngập trong hàng trăm yêu cầu. Khi gọi điện đến nhà, ông nhận thấy hầu hết tất cả những người bị bệnh đều có các triệu chứng nhiễm COVID-19 và hầu hết đều có nồng độ oxy thấp.
"Tình hình rất nghiêm trọng", bác sĩ làm việc dưới tên Pa Gyi cho biết. "Các bệnh viện không thể làm gì cho họ ... Tôi không thể chỉ ngồi nhìn bệnh nhân ngày càng bất lực".
Khi so sánh với 2 đợt bùng dịch trước đó, ông cho biết chính phủ của bà Suu Kyi có lợi thế hơn khi các tình nguyện viên đã điều hành các trung tâm kiểm dịch và xét nghiệm, đồng thời giúp đỡ phần nào gánh nặng tại các bệnh viện công.
Tuy nhiên, có rất ít người ủng hộ việc giúp đỡ một chính phủ quân sự vẫn đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình.
Anh Phoe Thar cho biết hầu hết các tình nguyện viên ở Mandalay từ đợt bùng dịch đầu tiên và thứ hai đều đã biến mất.
Thay vào đó, các nhóm như của anh đang tự tổ chức, giống như cách người dân Myanmar thường giúp đỡ nhau trong các thảm họa trong quá khứ như sau cơn bão Nagris năm 2008.