Myanmar 'hoang mang' giữa chính biến
Mang khát khao về một tương lai ổn định hơn, người dân Myanmar giờ đây lại chìm trong hoang mang một lần nữa, khi chính phủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt giữ. Những cuộc biểu tình và đình công đang lan rộng trên khắp cả nước, với hi vọng và lo lắng đan xen nhau trong lòng người dân về tương lai của chính đất nước này.
Chiều 3/2, bác sĩ và nhân viên y tế tại 70 bệnh viện và cơ sở y tế trải dọc Myanmar đã nhất loạt đình công, tuyên bố nghỉ việc. Động thái này nhằm hưởng ứng phong trào bất tuân dân sự Myanmar (MCDM), do Nhóm hoạt động mạng lưới thanh niên Yangon, một trong những nhóm hoạt động lớn nhất ở Myanmar, khởi xướng nhằm phản đối hành vi đảo chính của quân đội Myanmar. Các nhân viên y tế tham gia đình công tuyên bố không làm việc dưới chế độ quân đội, đồng thời cáo buộc các tướng lĩnh đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi người dân trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang bùng phát.
"Chúng tôi từ chối tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào từ chế độ quân sự bất hợp pháp, những người đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến những bệnh nhân tội nghiệp của chúng tôi", Reuters dẫn lời một lãnh đạo chiến dịch đình công của y, bác sĩ Myanmar tuyên bố.
Kyaw, một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Tây Yangon, cho biết: "Chúng tôi sẽ không dừng phong trào này cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục".
Các nhóm sinh viên và thanh niên cũng đã tham gia phong trào bất tuân dân sự. Liên đoàn sinh viên Myanmar cùng ngày đã kêu gọi các viên chức chính phủ khác đình công, mở rộng quy mô của phong trào chống quân đội đảo chính.
"Chúng tôi không thể chấp nhận các nhà độc tài và một chính phủ không được bầu chọn", Myo Thet Oo, một bác sĩ tham gia phong trào chia sẻ. Chỉ chưa đầy 24 giờ trước đó, vào chiều tối 2/2, tiếng xoong nồi và chảo đã vang vọng khắp thành phố Yangon, cùng tiếng còi xe vang dội và những dòng người mang biểu ngữ đổ ra đường ngày một đông.
Theo Reuters, cuộc biểu tình phản đối đảo chính lớn nhất từ trước đến nay tại Yangon đã diễn ra, nơi người dân hô vang khẩu hiệu "cái ác biến mất", và gõ vang xoong, nồi theo một tục lệ truyền thống để xua đuổi tà ác.
Cuộc chính biến xảy ra ngày 1/2 với việc quân đội bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền đã tạo ra bầu không khí lo lắng bao trùm đất nước Myanmar. Hệ thống Internet và mạng điện thoại bị gián đoạn sau đảo chính càng khiến sự hoang mang gia tăng, nhất là sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong một năm và trao quyền điều hành quốc gia cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing.
Quân đội Myanmar hôm 2/2 cũng thông báo đã thành lập Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tướng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, theo Nikkei Asia. Phát biểu trước các thành viên trong nội các mới được thành lập, Tướng Min Aung Hlaing gọi động thái đảo chính là "chuyển giao quyền lực bắt buộc", nhấn mạnh đây là điều "không thể tránh khỏi" sau khi chính phủ tiền nhiệm liên tục tránh làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử.
Ông Min Aung Hlaing nêu rõ quân đội đang nỗ lực làm việc để đảm bảo sự ổn định của đất nước, đồng thời cam kết sẽ tìm hiểu sự thật phía liên quan đến cáo buộc cho rằng đã có sự bất thường trong cuộc bầu cử tháng 11-2020. Quân đội Myanmar ngày 2/2 cũng đưa ra những bước đi được cho là giúp hạ nhiệt tình hình, khi truyền thông khu vực cho biết quân đội đã trả tự do cho nhiều thủ hiến vùng và bang bị họ bắt giữ trước đó một ngày.
Trong một tuyên bố, quân đội Myanmar cho biết, hiện dịch vụ internet đã được khôi phục trở lại và các dịch vụ ngân hàng vẫn đang hoạt động như bình thường. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 2/2 (giờ địa phương) đã họp khẩn cấp về Myanmar và thảo một tuyên bố kêu gọi khôi phục dân chủ tại Myanmar, lên án hành động của quân đội nước này và yêu cầu toàn bộ chính trị gia được trả tự do. Tuy nhiên, tuyên bố bị hoãn vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Cuộc chính biến tại Myanmar không chỉ gây hoang mang trong lòng công chúng, mà cũng gây hoang mang cho chính nền kinh tế nước này vốn đang hứng chịu tác động nặng nề vì COVID-19 gây ra. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 cảnh báo tái áp đặt lệnh cấm vận Myanmar, biện pháp đã được Washington dỡ bỏ gần 10 năm trước. Các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cuộc đảo chính đang diễn ra sẽ khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar bị đe dọa.
Stephen Lamar, Chủ tịch Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ, cho biết nhiều thành viên thuộc hiệp hội đang kinh doanh tại Myanmar đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay. Theo Nikkei Asia, các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Myanmar, với hi vọng việc quân đội kết thúc cầm quyền sẽ mở ra nhiều cơ hội làm ăn, giờ đây có thể bị buộc phải xem xét lại các chiến lược của họ ở quốc gia này.
Song song với đó, những xáo trộn về chính trị và kinh tế nhiều khả năng sẽ làm khốn đốn thêm đời sống của dân thường Myanmar, khi tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia này đã lên tới 140.000 người, và việc các bác sĩ đình công cũng có thể khiến hệ thống y tế nước này sụp đổ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/myanmar-hoang-mang-giua-chinh-bien-630017/