Myanmar khủng hoảng oxy
Câu chuyện về những người xếp hàng mua oxy đang cho thấy một cái nhìn thực tế đầy khắc nghiệt về tình trạng hệ thống y tế Myanmar trong cuộc chiến chống Covid-19.
Soe Win đứng xếp hàng tại một nhà máy để mua oxy cho bà của mình, người đang phải chống chọi với Covid-19.
“Tôi đã đợi từ 5h sáng đến tận 12h trưa mà vẫn xếp hàng. Oxy giờ còn quý hiếm hơn tiền”, AP dẫn lại lời anh Soe Win cho biết.
Người dân hai thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon và Mandalay đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing trong cuộc họp ứng phó Covid-19 hôm 9/7 đã ra lệnh cho các nhà máy sản xuất oxy hoạt động hết công suất.
Ông cũng yêu cầu chuyển đổi oxy công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân Covid-19 trước số ca mắc không ngừng tăng cao.
Hôm 10/7, Bộ trưởng Đầu Tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Aung Naing Oo cũng thông báo chính phủ sẽ bãi bỏ tất cả các loại thuế và yêu cầu cấp phép đối với việc nhập khẩu thiết bị tạo oxy.
Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị bạo lực leo thang từ khi quân đội nắm quyền vào tháng 2, Myanmar đã bỏ lỡ thời gian tốt nhất để dập dịch trước khi các ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng vào giữa tháng 5.
Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 như bà của Soe Win đang phải tự điều trị ở nhà vì không thể tìm được giường bệnh, hoặc không tin tưởng vào hệ thống y tế của chính phủ mới.
Các bệnh viện của quân đội vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bị người dân xa lánh, trong khi các bác sĩ và y tá tham gia phong trào biểu tình tẩy chay hệ thống nhà nước và điều hành các phòng khám tạm bợ, nơi họ có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào.
Bộ Y tế Myanmar hôm 10/7 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục là 4.377, nâng tổng số các ca mắc lên 188.752.
Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận thêm 71 trường hợp tử vong, nâng số người thiệt mạng kể từ khi dịch bùng phát lên 3.756.
Myanmar có thể sẽ phải đối mặt với nhiều ca mắc và từ vong vì Covid-19 hơn nữa khi tốc độ tiêm chủng đang chậm lại.
Theo AP, mặc dù dữ liệu về tiêm chủng không được công bố rõ ràng, nhưng tính đến tháng 6, mới chỉ có 3,5 triệu liều vaccine được cung cấp cho đất nước 55 triệu dân. Điều này đồng nghĩa Myanmar mới có tối đa 3,2% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/myanmar-khung-hoang-oxy-post1237472.html