Myanmar lần đầu tiên ghi nhận trên 5.000 ca mắc COVID-19 trong 1 ngày
Người dân Myanmar đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Nguồn: Myanmar Times
Theo giới chức y tế Myanmar, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày vượt ngưỡng 5.000 ca, cụ thể là 5.014 ca ghi nhận ngày 12/7.
Như vậy, đến nay, Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 197.227 ca mắc COVID-19, trong đó 3.927 ca tử vong.
Cùng ngày 12/7, Bộ Y tế Myanmar đã mở rộng áp dụng quy định người dân ở nhà tại 11 thành phố thuộc các bang Kachin, Kayin, Shan và các vùng Sagaing, Ayeyarwady, Magway do dịch bùng phát mạnh. Đến nay, Myanmar đã áp dụng lệnh này tại 74 thành phố, thị trấn trên cả nước.
Tại Indonesia, kết quả một cuộc khảo sát huyết thanh mới đây cho thấy gần một nửa trong số 10 triệu dân thành phố Jakarta đã nhiễm COVID-19, qua đó mang lại hy vọng rằng thủ đô của Indonesia sẽ sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Khảo sát trên do Sở y tế Jakarta tiến hành cùng các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia, Viện Sinh học phân tử Eijkman và Cơ quan Quản lý Thuốc và Dược phẩm Indonesia (BPOM) trong khoảng thời gian từ ngày 15-31/3 vừa qua với 5.000 người tham gia tại 100 phường thuộc 6 quận nội thành của thành phố Jakarta.
Theo kết quả nghiên cứu, 44,5% dân số thủ đô Jakarta đã mang kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy nhiều người dân Jakarta đã bị mắc COVID-19, cao hơn gấp 7 lần so với số liệu công bố chính thức với hơn 649.000 ca mắc, tương đương khoảng 6,1% dân số, và 9.349 ca tử vong.
Theo ước tính của nghiên cứu, 4,7 triệu trong số 10,6 triệu dân Jakarta đã bị mắc COVID-19. Hầu hết những người bị nhiễm trong độ tuổi từ 30-49 tuổi. Tỉ lệ lây nhiễm ở nhóm nữ cao hơn (47,9%), trong khi nhóm chưa kết hôn có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn (39,8%).
Các chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ rằng quy mô của đại dịch COVID-19 tại thủ đô Jakarta cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức, đặc biệt là khi số lượng các thi thể được chôn cất theo quy định phòng dịch cao bất thường.
Theo Giám đốc Sở Y tế Jakarta, cuộc khảo sát mới nhất này đã cho thấy mức độ đại dịch ở thành phố thủ đô. Do vậy, các chiến lược xử lý và kiểm soát COVID-19 cũng có thể được điều chỉnh. Về phần mình, Pandu Riono - nhà dịch tễ học thuộc Đại học Indonesia - cho biết nghiên cứu đã phát hiện gần một nửa dân số Jakarta bị nhiễm COVID-19 nhưng có thể không có triệu chứng, điều này cho phép họ không bị phát hiện.
Trong khi đó, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan hy vọng rằng với gần một nửa dân số thành phố mang kháng thể COVID-19, thành phố sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tại Thái Lan, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan vừa thông báo các trường hợp nghi nhiễm đồng thời hai biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Cụ thể, các trường hợp này được ghi nhận tại một công trường xây dựng lớn ở thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong cuộc họp báo ngày 12/7, Cục trưởng Cục Khoa học y tế Supakit Sirilak thông báo các xét nghiệm tại công trường xây dựng nói trên cho thấy 7 công nhân cùng lúc bị nhiễm hai biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh và biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Hiện những công nhân này vẫn khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại. Việc đồng thời bị nhiễm hai biến thể không có nghĩa là các triệu chứng của bệnh nhân nghiêm trọng hơn so với những người mắc một biến thể đơn lẻ.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều trường hợp nhiễm cùng lúc các biến thể khác nhau có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện một biến thể mới vốn là điều mà giới chức y tế luôn lo ngại. Kết quả kiểm tra 1.737 công nhân tại công trường xây dựng nói trên cho thấy 1.327 người cho kết quả dương tính, trong đó 23,3% nhiễm biến thể Alpha và 73,7% nhiễm biến thể Delta.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết biến thể Delta rất dễ lây lan và sẽ thay thế biến thể Alpha trở thành biến chủng chủ đạo ở nước này trong thời gian tới. Hiện biến thể Delta đã xuất hiện tại thủ đô Bangkok và 60 tỉnh, thành khác, trong đó riêng tại Bangkok có 57,1% số ca nhiễm là do biến thể Delta và số còn lại là do biến thể Alpha.
Ngày 13/7, Thái Lan ghi nhận thêm 8.685 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 56 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này từ đầu mùa dịch lên 353.712 người, trong đó có 2.847 người không qua khỏi.
Cùng ngày 13/7, Bộ trưởng Lãnh thổ liên bang Malaysia Annuar Musa đã bị phạt 2.000 ringgit (khoảng gần 12 triệu đồng) do không tuân thủ Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) được áp đặt trong thời gian thực thi Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) ngằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại nước này khi đến thăm nhà riêng của cựu Thủ tướng Abdullah Badawi.
Cảnh sát trưởng đồn Dang Wangi, Mohamad Zainal Abdullah ngày 13/7 đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết cảnh sát đang điều tra theo Điều 17 trong Quy định về Phòng chống và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm năm 2021.
Cùng ngày, Văn phòng Bộ trưởng Lãnh thổ Liên bang cho biết Bộ trưởng Annuar đã nhận được giấy phạt từ đồn cảnh sát. Trước đó, cộng đồng mạng ở Malaysia đã dấy lên làn sóng phản đối sau khi Bộ trưởng Annuar chia sẻ trên mạng xã hội rằng vợ chồng ông đã đến thăm nhà riêng của cựu Thủ tướng Abdullah và hai gia đình đã cùng ăn trưa trong 2 giờ. Bài viết sau đó đã bị gỡ bỏ.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)