Myanmar: Nhóm ủng hộ quân đội đụng độ nhóm phản đối chính biến
Nhóm người ủng hộ quân đội Myanmar trang bị gậy, dao, ná cao su và đá tấn công nhóm người biểu tình phản đối chính biến, trong khi ASEAN tìm cách chấm dứt khủng hoảng.
Những người ủng hộ quân đội Myanmar mang theo vũ khí đụng độ những người phản đối chính biến. Sự việc xảy ra tại TP Yangon hôm 25-2, trong khi các chính phủ Đông Nam Á tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng, theo kênh Channel News Asia.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm quyền hôm 1-2 và bắt giữ nhà lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi cũng như nhiều lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), sau khi quân đội cáo buộc cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020 có gian lận.
Ẩu đả leo thang thành bạo lực nghiêm trọng
Các cuộc biểu tình và đình công phản đối chính biến diễn ra hàng ngày ở Myanmar trong ba tuần qua. Sinh viên cũng lên kế hoạch tập trung tại trung tâm thương mại Yangon hôm 25-2 để tiếp tục biểu tình.
Tuy nhiên, trước khi nhóm người phản đối chính biến xuất hiện, khoảng 1.000 người ủng hộ quân đội Myanmar đã tổ chức cuộc tuần hành khác ở trung tâm Yangon.
Theo các nhiếp ảnh gia, nhân viên truyền thông và nhân chứng, ẩu đả giữa hai nhóm nhanh chóng leo thang thành bạo lực nghiêm trọng tại một số khu vực của Yangon.
Nhân chứng cho biết nhóm người ủng hộ quân đội trang bị gậy, dao, ná cao su và đá tấn công nhóm người biểu tình phản đối chính biến. Một số người còn bị đánh đập.
Video hiện trường cho thấy một số người ủng hộ quân đội, một người cầm dao tấn công một người đàn ông bên ngoài một khách sạn ở trung tâm TP.
Nhân viên khẩn cấp đã giúp người đàn ông này khi ông nằm trên vỉa hè sau khi những người tấn công ông bỏ đi, song chưa rõ tình trạng của người này.
“Những sự kiện của ngày hôm nay cho thấy ai mới là khủng bố. Họ sợ hành động đấu tranh vì dân chủ của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình ôn hòa” – nhà hoạt động Thin Zar Shun Lei Yi nói với hãng tin Reuters.
Bạo lực làm gia tăng lo ngại tại quốc gia phần lớn bị tê liệt do những cuộc biểu tình và chiến dịch bất tuân dân sự của những cuộc đình công phản đối quân đội. Trước đó, cảnh sát đã phong tỏa cổng trường ĐH chính của Yangon, ngăn hàng trăm sinh viên bên trong ra ngoài biểu tình.
Các bác sĩ cũng dự kiến tổ chức biểu tình như một phần trong cái gọi là cuộc cách mạng áo choàng trắng.
Người phát ngôn của hội đồng quân sự nắm quyền không phản hồi khi Reuters liên hệ.
Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar nói rằng chính quyền đang đi theo con đường dân chủ trong việc ứng phó biểu tình và cảnh sát đang sử dụng vũ lực tối thiểu, chẳng hạn như sử dụng đạn cao su.
Tuy nhiên, ba người biểu tình và một cảnh sát đã thiệt mạng.
Một nhóm nhân quyền cho biết tính đến ngày 24-2, 728 người đã bị bắt, truy tố hoặc kết án liên quan tới biểu tình phản đối chính biến.
Quân đội nói rằng hành động của họ phù hợp hiến pháp và cam kết tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi xem xét danh sách cử tri.
Cố vấn nhà nước Suu Kyi bị bắt và bị quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyidaw. Tuy nhiên, đảng NLD của bà nói rằng việc đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11-2020 phải được tôn trọng.
Indonesia kêu gọi kiềm chế
Câu hỏi về việc có nên tổ chức một cuộc bầu cử mới hay không đã trở thành tâm điểm của những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Indonesia – bà Retno Marsudi hôm 24-2 cho biết bà đã có cuộc hội đàm chuyên sâu với quân đội Myanmar và đại diện của chính phủ bị lật đổ.
Trước đó trong ngày 24-2, bà Marsudi đã gặp ông Wunna Maung Lwin - người được quân đội Myanmar bổ nhiệm làm ngoại trưởng nước này tại thủ đô của Thái Lan để hội đàm.
Sự can thiệp của Indonesia dấy lên hoài nghi cho những người phản đối chính biến ở Myanmar. Những người này lo ngại điều này sẽ mang lại tính hợp pháp cho quân đội và nỗ lực của họ để loại bỏ kết quả bầu cử tháng 11-2020.
Bà Marsudi nói rằng hạnh phúc của người dân Myanmar là ưu tiên hàng đầu.
“Chúng tôi yêu cầu mọi người kiềm chế và không sử dụng bạo lực” – bà nói sau khi hội đàm với ông Maung Lwin và người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai.
Trước đó, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Indonesia đề xuất rằng các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử người giám sát để đảm bảo các tướng lĩnh Myanmar giữ lời hứa của họ về cuộc bầu cử công bằng.
Quân đội không đưa ra khung thời gian cho cuộc bầu cử.
Bà Marsudi không đề cập cuộc bầu cử song nhấn mạnh “tầm quan trọng của một quá trình chuyển đổi dân chủ bao quát”.
Mỹ, Anh và những nước khác đã áp lệnh trừng phạt nhằm vào các thành viên của quân đội Myanmar cũng như các doanh nghiệp quân sự.
Anh áp thêm trừng phạt vào quân đội Myanmar
Theo kênh Channel News Asia, hôm 25-2, Anh thông báo biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các thành viên của quân đội Myanmar.
Văn phòng đối ngoại Anh cho biết nước này sẽ trừng phạt thêm sáu nhân vật quân đội Myanmar, bổ sung vào danh sách 19 người trước đó. Ngoài ra, Bộ Thương mại Anh sẽ làm việc để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không làm ăn với các công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
“Gói biện pháp trừng phạt của hôm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ quân sự ở Myanmar rằng những ai chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm, và chính quyền phải giao lại quyền kiểm soát cho chính phủ do người dân Myanmar bầu chọn” – Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố.