Myanmar tiếp tục 'nóng như lửa'

Chính quyền quân sự của Myanmar đã tuyên bố thiết quân luật tại các khu vực của thành phố lớn nhất nước Yangon - khi lực lượng an ninh đụng độ người biểu tình gây thương vong lớn vào hôm 14-3. Tính đến nay, số người tử vong trong các cuộc biểu tình tại Myanmar từ ngày 1-2 đã tăng lên 126 người. Hơn 2.150 người đang bị giam giữ.

Chính quyền quân sự của Myanmar đã tuyên bố thiết quân luật tại các khu vực của thành phố lớn nhất nước Yangon - khi lực lượng an ninh đụng độ người biểu tình gây thương vong lớn vào hôm 14-3. Tính đến nay, số người tử vong trong các cuộc biểu tình tại Myanmar từ ngày 1-2 đã tăng lên 126 người. Hơn 2.150 người đang bị giam giữ.

Những người biểu tình chống đảo chính vây quanh một người đàn ông bị thương ở Hlaing Thar Yartownship, Yangon, Myanmar hôm 14-3. Ảnh: AP

Những người biểu tình chống đảo chính vây quanh một người đàn ông bị thương ở Hlaing Thar Yartownship, Yangon, Myanmar hôm 14-3. Ảnh: AP

Đụng độ biểu tình gây thương vong lớn

Theo Reuters, ít nhất 39 người đã thiệt mạng trong làn sóng biểu tình bạo lực kinh hoàng hôm 14-3. Trong khi đó, hàng chục người khác bị thương, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất của cuộc tấn công trấn áp biểu tình, AP dẫn nguồn tin từ một nhóm độc lập theo dõi vụ việc cho biết. Hầu hết những người thiệt mạng - 34 người - đều ở Yangon, nơi hai quận, Hlaing Thar Yar và Shwepyitha lân cận đang rơi vào tình trạng thiết quân luật, vốn cho phép quân đội thực hiện quyền hành pháp và tư pháp tại hai khu vực này mà không cần xin ý kiến của Hội đồng Hành chính Quốc gia - cơ quan ra quyết định cao nhất được thành lập sau chính biến.

Đoạn băng từ quận Hlaing Thar Yar cho thấy, người dân bỏ chạy sau khi nghe thấy tiếng súng. Những người chạy trốn mang theo một người bị thương và cố gắng cứu thêm 2 người khác, một người dường như đã chết hoặc sắp chết. Tại Yangon, đoạn băng được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy đám đông, một số người đội mũ cứng và đeo mặt nạ phòng độc, chạy xuống đường giữa tiếng súng nổ. Những người biểu tình nhanh chóng phun hơi từ bình cứu hỏa khi họ rút lui - một chiến thuật được sử dụng rộng rãi để dập hơi cay và tạo ra màn hình hơi khiến cảnh sát khó truy đuổi hoặc bắn người biểu tình hơn. Reuters dẫn số liệu trên từ tổ chức Hiệp hội hỗ trợ các tù nhân chính trị (AAPP), đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi quân đội Myanmar tổ chức chính biến và bắt giữ các lãnh đạo của chính quyền dân sự vào ngày 1-2.

Đụng độ biểu tình kinh hoàng xảy ra trong bối cảnh một số nhà máy dệt may Trung Quốc bị phóng hỏa ở Hlaingthaya. Trong lúc khói tiếp tục bốc lên từ khu công nghiệp của Hlaingtharyar, truyền thông địa phương đưa tin lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình ở vùng ngoại ô. “Thật kinh khủng. Người biểu tình bị bắn trước mặt tôi”, theo một phóng viên ảnh tại hiện trường. Đài truyền hình Myawadday của quân đội đưa tin: phía an ninh đã hành động sau khi 4 nhà máy dệt may và một nhà máy phân bón bị phóng hỏa, và khoảng 2.000 người đã chặn đường các xe cứu hỏa đang đến hiện trường.

Đại sứ quán Trung Quốc ngày 15-3 kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar hãy bảo vệ tài sản và công dân nước này. Theo đại sứ quán, nhiều công nhân nhà máy bị mắc kẹt trong các đám cháy và bị thương.

Chưa có lối thoát

Kể từ khi quân đội tiếp quản chính quyền, Myanmar đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, với các nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ và bị bắt giữ và các nhà lãnh đạo quân sự lên nắm quyền. Nhưng thông báo trên đài truyền hình nhà nước MRTV vào cuối ngày 14-3 dường như là lần đầu tiên thuật ngữ thiết quân luật được sử dụng kể từ cuộc đảo chính và đề xuất sự kiểm soát an ninh trực tiếp hơn của quân đội, thay vì cảnh sát địa phương. Thông báo cho biết, Hội đồng Hành chính Quốc gia đã hành động để tăng cường an ninh, khôi phục luật pháp và trật tự, đồng thời cho biết Tư lệnh khu vực Yangon đã được giao các quyền hành chính, tư pháp và quân sự trong khu vực do ông chỉ huy.

Mặc dù vậy, Reuters đưa tin, các nhà hoạt động tại Myanmar vẫn tiếp tục lên kế hoạch biểu tình lâu dài. Trong một chiến thuật mới trước đó, những người biểu tình chống đảo chính đã sử dụng bóng tối để tổ chức các buổi cầu nguyện dưới ánh nến hàng loạt vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật tại một khu thương mại ở Yangon, nơi thường diễn ra các cuộc biểu tình vào ban ngày. Các cuộc biểu tình sau bóng tối cũng được tổ chức ở Mandalay và các nơi khác. Theo các nguồn tin, việc chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố thiết quân luật tại một số khu vực ở Yangon dường như không thể khiến phong trào biểu tình tại quốc gia này lắng xuống, trong bối cảnh quốc tế liên tiếp đưa ra phản ứng trước tình trạng bạo lực tại đây.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 15-3, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ nước này đang theo dõi sát sao tình hình Myanmar và “trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ xem xét cách ứng phó với tình hình ở Myanmar cả về hợp tác và chính sách kinh tế”. Trước đó, Hàn Quốc hồi tuần trước cho biết họ sẽ đình chỉ trao đổi quốc phòng với Myanmar và cấm xuất khẩu vũ khí sang nước này.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_239948_myanmar-tiep-tuc-nong-nhu-lua-.aspx