Myanmar từ chối đề nghị tới thăm của cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Chính quyền quân quản Myanmar đã từ chối lời đề nghị tới nước này để hạ nhiệt xung đột của cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) diễn ra ngày 19/4, cựu Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, ông đã đề nghị tới Myanmar để hạ nhiệt xung đột và thúc đẩy đối thoại, nhưng bị chính quyền quân quản từ chối.
Cựu Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Liên Hợp Quốc và các đối tác khu vực đang có cơ hội hợp tác thông qua hành động mạnh mẽ để ngăn những hành động tàn bạo ở Myanmar và không để tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang”.
Trước đây, khi còn giữ cương vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc giai đoạn 2007-2016, ông Ban Ki-moon từng tới Myanmar để kêu gọi các tướng lĩnh trong chính quyền quân sự thời điểm đó cho phép các chuyên gia LHQ vào Myanmar và chuyển hàng cứu trợ tới người dân bị ảnh hưởng trong trận bão Nargis năm 2008, khiến 134.000 người thiệt mạng.
Trong cuộc chính biến lần này tại Myanmar, ông Ban cũng đưa ra đề nghị trở lại với hy vọng gặp tất cả các bên trong xung đột, giúp hạ nhiệt tình hình và thúc đẩy đối thoại. Nhưng, giới chức nước này phản hồi rằng, thời điểm hiện tại chưa phù hợp, ông Ban Ki-moon cho biết.
Tại cuộc họp của HĐBA vừa diễn ra, cựu Tổng thư ký kêu gọi hội đồng này hành động ngay lập tức, ngăn chặn bạo lực, bảo vệ dân thường tại Myanmar. Đồng thời, ông Ban Ki-moon còn thúc giục các quốc gia Đông Nam Á sớm cử đoàn đại biểu cấp cao tới Myanmar và cho rằng Tổng thư ký Antonio Guterres cũng nên trực tiếp tham gia, góp phần sớm đưa tình hình tại Myanmar bình ổn trở lại.
Dự kiến, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại trụ sở của khối ở Jakarta, Indonesia vào cuối tuần này, trong đó sẽ có nội dung bàn về vấn đề khủng hoảng Myanmar.
Tình hình căng thẳng tại Myanmar tiếp tục căng thẳng khi các cuộc biểu tình vẫn lan rộng bất chấp cảnh báo và hành động trấn áp từ lực lượng an ninh và quân đội. Tính đến nay, sau gần 3 tháng, đã có 737 người Myanmar thiệt mạng và 3.200 người khác bị lực lượng chức năng Myanmar bắt giữ.