Myanmar và cuộc chạy đua đất hiếm
Là vật liệu quan trọng trong việc chế tạo pin xe điện, tuabin điện gió, linh kiện máy bay, máy tính, tàu vũ trụ, công nghiệp vũ khí và kể cả những thứ nhỏ nhặt hàng ngày như tivi, điện thoại thông minh, đất hiếm có ở khắp nơi trên bề mặt trái đất nhưng trữ lượng rất thấp, hiệu quả kinh tế của việc khai thác không thể bù được chi phí bỏ ra.
Trên thế giới, số quốc gia có nhiều đất hiếm chỉ đếm ở đầu ngón tay và một trong những quốc gia này là Myanmar…
1. Ngày làm việc của Zau, công nhân người Myanmar bắt đầu lúc 3 giờ sáng tại một mỏ đất hiếm nằm trong khu vực được gọi là “Đặc khu Kachin 1”, bang Kachin, Myanmar. Trên giấy tờ, mỏ này thuộc sở hữu của Công ty Sin Kyaing do Lagwi Bawm Lang, thủ lĩnh lực lượng dân quân địa phương làm chủ nhưng thực tế, Công ty Sin Kyaing chỉ là bình phong cho hoạt động đầu tư bất hợp pháp của những doanh nhân đến từ một quốc gia láng giềng.
Zau nói: “Sau khi thảm thực vật trên mặt đất đã được bóc sạch, công việc của tôi là khoan những lỗ sâu 5m, đường kính 15m. Tiếp theo, nhân viên kỹ thuật bơm dung dịch Amoni sulfat xuống hố, làm lỏng phần đất dưới đáy lỗ rồi chuyển đến các bể thu gom, nơi nguyên tố đất hiếm kết tủa. Đây là một phần trong quá trình rửa trôi tại chỗ…”.
Các nguyên tố đất hiếm kết tủa thu được trong quá trình rửa trôi tại chỗ gồm Ceri (Ce), Dysproxi (Dy), Ebri (Er), Europi (Eu), Gadolini (Gd), Holmi (Ho), Lantan (La), Luteti (Lu), Neodymi (Nd), Praseodimi (Pr), Promethi (Pm), Samari (Sm), Scandi (Sc), Terbium (Tb), Thuli (Tm), Yterrby (Yb) và Yttri (Y).
Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chế tạo nam châm vĩnh cửu cho máy phát điện, xe điện, chip máy tính, máy tuyển từ dùng trong công nghệ tuyển khoáng, ổ đĩa vi tính, điện thoại thông minh, mô tơ, loa phát thanh, tua bin, đèn cathode trong màn hình radar, chất xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu, các vật liệu siêu dẫn, chất phát quang trong ứng dụng quang điện, công nghệ laser hồng ngoại và cảm biến cho tên lửa… Nói cách khác là nếu không có các nguyên tố đất hiếm, tất cả nền công nghệ của nhân loại sẽ quay lại thời kỳ cách đây 60 năm!
Vẫn theo Zau, sau khi khu mỏ nói trên bị rửa trôi sạch sẽ, ông sẽ cùng các đồng nghiệp chuyển sang một khu mỏ khác và công việc sẽ lại bắt đầu. Uthani, người làm chung với Zau nói tiếp: “Mỗi tháng chúng tôi được trả lương 600 USD, cao gấp 2 đến 3 lần so với những việc khác ngoài kia nên số người tham gia rất đông mặc dù nhiều người biết rằng khai thác đất hiếm để lại hậu quả như tàn phá cảnh quan, đầu độc sông ngòi, ô nhiễm sinh thái, chưa kể một số bệnh tật về da và đường hô hấp…”.
Gần 30 năm trở lại đây, quốc gia láng giềng với Myanmar là Trung Quốc đã chiếm ngôi thống trị nguồn cung cấp đất hiếm cho thị trường thế giới. Khi những lo ngại về vấn đề an toàn môi sinh trong việc gia tăng khai thác, chính phủ của quốc gia này đã đóng cửa nhiều mỏ đất hiếm trong nước, dẫn đến các công ty, tập đoàn đất hiếm chuyển hướng sang Myanmar.
Chỉ vài năm, nhiều ngọn núi có trữ lượng đất hiếm lớn ở Đặc khu Kachin 1 đã biến mất bởi 2.700 mỏ đặt tại 300 địa điểm với tổng diện tích bằng cả Singapore. Nó dẫn đến hệ quả đầu tiên là người dân xung quanh các mỏ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng thực hiện bởi trang tin Nhân chứng Toàn cầu - Global Witness - cho thấy ngay cả những người khỏe mạnh cũng đã gặp phải hiện tượng khó thở, tức ngực và ho khan khi hít phải mùi Amoni sulfat suốt thời gian dài.
Các cộng đồng địa phương ở Kachin cho biết chất thải nguy hại từ khu vực khai thác đất hiếm chảy trực tiếp vào sông N'Mai Kha, một nhánh của sông Ayeyarwady, nguồn nước quan trọng nhất ở Myanmar trong bối cảnh lưu vực sông Ayeyarwady là nơi sinh sống của 2/3 trong tổng số 54 triệu người.
Vẫn theo Global Witness, từ năm 2016 đến nay, có khoảng 16.000 người - hầu hết là nhân viên kỹ thuật - đã chuyển từ quốc gia láng giềng sang Myanmar để khai thác đất hiếm, chiếm 30% tổng số công nhân hiện đang làm việc trong các mỏ nhưng thay vì xin phép Chính quyền Myanmar, các doanh nghiệp trực tiếp tiến hành đàm phán với lực lượng dân quân, gọi là “Quân đội dân chủ mới Kachin”, hiện đang kiểm soát Đặc khu Kachin 1 mà người đứng đầu là Zakhung Ting Ying.
Một thông tin trên tạp chí Forbes cho thấy Zakhung Ting Ying “có nhiều tiền đến nỗi đời chắt ông ta cũng không thể tiêu hết”. Aung Gam, 45 tuổi, một cư dân của thị trấn Chipwi đã chứng kiến nơi sinh sống yên bình của mình biến thành một trung tâm khai thác sầm uất với hàng nghìn người mới đến.
Ông nói: “10 năm trước, chúng tôi bắt đầu nhận thấy những khu rừng tươi tốt trên những ngọn núi xung quanh thị trấn bị chặt phá. Tiếp theo, hàng loạt những máy móc hạng nặng được đưa đến cùng các kỹ thuật viên nước ngoài. Họ đào đất và để lại những cái hố lộ thiên, hố nào cũng chứa đầy nước lẫn hóa chất. Khi họ hút đất để lấy quặng, nước trong hố chảy xuống sông, con sông mà hàng ngày chúng tôi vẫn dùng để ăn uống tắm giặt. Theo thời gian, mỏ này nối tiếp mỏ kia, đất đai đầy những hố như những nốt rỗ trên khuôn mặt bị bệnh đậu mùa…”.
Theo luật Myanmar, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng quy mô vừa và nhỏ đều không được cấp phép nhưng với Zakhung Ting Ying, ông ta sẵn sàng bỏ qua mọi quy tắc, kể cả về vấn đề nhập cư. Myo Ko Ko, một công ty chuyên về vật tư y tế nhưng vẫn được Zakhung Ting Ying cấp phép khai thác đất hiếm ở thị trấn Chipwi, bang Kachin với 281 hecta, tương đương diện tích của 159 sân bóng đá sau khi đã nộp cho ông này 500.000 USD gọi là thủ tục! Tất cả nhân viên kỹ thuật của các công ty thuộc quốc gia láng giềng với Myanmar đều được lực lượng dân quân cấp thẻ căn cước sau khi họ đã nộp đủ một số tiền, thường từ 1.000 đến 1.200 USD/năm.
Chưa hết, đất hiếm trong quá trình chuyển về quốc gia láng giềng để tinh chế thành các nguyên tố còn phải nộp thuế xuất khẩu cho Zakhung Ting Ying. Một chuyên gia kỹ thuật giấu tên cho biết: “Ở đây, mọi thứ đều có thể giải quyết bằng tiền. Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì miễn có tiền!”.
Chả thế mà chỉ riêng tháng 12-2021, một lượng đất hiếm trị giá 200 triệu USD đã được đưa ra khỏi Myanmar còn nếu tính đủ thì từ tháng 5-2017 đến tháng 10-2021, đã có 140.000 tấn đất hiếm, trị giá hơn 1 tỉ USD được quốc gia láng giềng với Myanmar nhập về rồi sau khi tinh chế, một trong những nguyên tố đất hiếm là Dysprosium biến thành nam châm vĩnh cửu trong động cơ xe điện của các hãng General Motors, Tesla, Mỹ, Siemens và Volkswagen, Đức, Mitsubishi Electric, Nhật... Tuy nhiên các hãng này đều từ chối trả lời khi được hỏi rằng nguyên liệu chế tạo nam châm vĩnh cửu mà họ đang sử dụng có phải đến từ Myanmar hay không?
2. Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar năm 2021, việc khai thác đất hiếm ở bang Kachi ngày càng diễn ra theo cấp số nhân. Dưới sự điều hành của chính phủ quân sự, hầu hết hoạt động của Bộ Tài nguyên Myanmar đều do quân đội chi phối, nhất là khi quân đội đạt được một thỏa thuận với Quân đội dân chủ mới Kachin, đã biến Myanmar trở thành nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ 3 trên thế giới.
Ko Zaw, cựu quản lý công nhân tại một công trường khai thác đất hiếm cho biết chỉ riêng số lượng địa điểm đang được đào bới ở thị trấn Chipwi và thị trấn Pangwa dưới sự kiểm soát của Quân đội dân chủ mới Kachin có thể cao hơn số liệu chính thức dựa trên quan sát của ông về lực lượng lao động.
Theo Ko Zaw, mỗi mỏ thường có từ 40 đến 60 công nhân, trong đó 15 là người nước ngoài, phần lớn là kỹ thuật viên. Công nhân Myanmar được trả lương 600 hoặc 650 USD mỗi tháng. Riêng những công nhân làm nhiệm vụ đưa Amoni sulfat, Amoni bicarbonate, Axit oxalic vào hố để rửa trôi đất hiếm thì lương cao hơn nhưng hầu như họ chỉ làm được 2 hoặc 3 năm thì bỏ việc vì nhiễm hóa chất.
Một bài báo công bố trên tạp chí Harvard International Review, xuất bản bởi Đại học Harvard, Mỹ cho thấy “cứ mỗi tấn đất hiếm được khai thác sẽ tạo ra 13 kg bụi, 9.600 đến 12.000 mét khối khí thải, 75 mét khối nước thải và 1 tấn dư lượng phóng xạ”.
Dựa trên con số này, có thể tính được rằng hoạt động khai thác đất hiếm ở Myanmar từ 2017 đến 2021 đã thải ra 284 triệu tấn chất thải độc hại, 0,14 triệu tấn chất thải phóng xạ và 2.475 tỷ mét khối khí độc hại. Nó dẫn đến hệ quả là thị trấn Chipwi và thị trấn Pangwa trước đây nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như thảo quả đen, quả mộc qua, cam và quả óc chó, thu hút nhiều thương nhân thì hiện nay, chẳng còn thấy ai đến thu mua nữa.
Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, biên giới giữa Myanmar và quốc gia láng giềng đóng cửa khiến việc khai thác đất hiếm bị đình trệ một thời gian dài. Mãi đến đầu tháng 12-2021, nó mới được thông thương trở lại và hiện tại, mỗi ngày có từ 3.000 đến 4.000 tấn đất hiếm được xe tải chở đến cửa khẩu Kyin San Kyawt, cách thành phố Muse, phía bắc Myanmar khoảng 11 km và cửa khẩu Chinshwehaw.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc nối lại giao thương giữa hai quốc gia đã phản ánh sự háo hức của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu về đất hiếm ngày càng gia tăng, nguồn cung bị gián đoạn vì dịch bệnh. Vì thế, giá một số nguyên tố đất hiếm như Praseodymium-Neodymium tăng khoảng 20% trong khi giá Neodymium oxide tăng 16% so với trước dịch.
Cuối cùng là người dân Myanmar nói chung và người dân ở bang Kachin nói riêng, họ ngày càng nhận ra những đe dọa trực tiếp đến môi trường sống trong lúc lợi nhuận thu được từ việc khai thác đất hiếm lại chỉ rơi vào túi của một số người thay vì chia sẻ cho cộng đồng.
Yadanar Maung, thành viên của nhóm Công lý cho Myanmar nói: “Hoạt động khai thác đất hiếm ở Myanmar phát triển mạnh dựa vào nhu cầu ngày càng tăng của ngành sản xuất vật liệu kỹ thuật công nghệ cao, hầu hết nằm trong tay các tập đoàn quốc tế. Việc đào bới diễn ra không chỉ bất hợp pháp mà hoàn toàn không kiểm soát được …”.
Nông dân Ying Hkaw nói cụ thể: “Trước đây lội qua sông N'Mai Kha với chúng tôi là việc rất bình thường nhưng bây giờ, chỉ khoảng 1, 2 tiếng sau khi xuống nước, chân chúng tôi bắt đầu ngứa. Nếu ai đó có vết thương hở, nó sẽ loét ra còn hiện tượng cá chết nổi trắng là chuyện vẫn thường thấy. Chẳng ai muốn vùng đất của tổ tiên mình lại điêu tàn như vậy nhưng nếu chống lại, chúng tôi sẽ bị giết…”.
Trong một cuộc nói chuyện với các doanh nghiệp hiện đang khai thác đất hiếm ở bang Kachin bị tiết lộ ra ngoài, Zakhung Ting Ying - người đứng đầu lực lượng Quân đội dân chủ mới Kachin cam kết “đồng ý gia tăng diện tích các mỏ gấp 3 lần hiện nay vào năm 2035”.
Trên trang web của một công ty, quốc gia láng giềng với Myanmar hiện đang hoạt động ở bang Kachi viết: “Chúng tôi đã đi đầu trong việc mở ra con đường nhập khẩu tài nguyên đất hiếm từ các nước Đông Nam Á như Myanmar. Nó đã cung cấp cho các khách hàng của chúng tôi hơn 50% nhu cầu…”. Vấn đề là công ty này chỉ là một trong hàng chục công ty đang sở hữu 1.700 khu mỏ ở bang Kachin.
Và như vậy, cuộc đua đất hiếm vẫn sẽ tăng tốc trong bối cảnh nước Mỹ - là quốc gia có lượng ô tô lớn nhất tính theo tỉ lệ đầu người - sẽ cấm tất cả các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch bắt đầu từ năm 2035…
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/myanmar-va-cuoc-chay-dua-dat-hiem-i669855/