Myrlie Evers và hành trình 31 năm đấu tranh vì công lý

0 giờ 40 phút sáng 12/6/1963 tại thành phố Jackson, bang Mississippi, Medgar Evers người Mỹ da đen, nhà tranh đấu cho quyền bình đẳng chủng tộc và xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã bị bắn chết khi vừa lái xe về đến nhà. Ngay sau vụ án mạng, tại hiện trường cảnh sát thu được một khẩu súng bắn tỉa và đã tìm ra thủ phạm là Byron de La Beckwith, thành viên Hội đồng công dân da trắng. nhưng phải 31 năm sau, Byron mới bị đưa ra trước công lý nhờ sự đấu tranh bền bỉ của bà Myrlie, vợ Medgar …

Vì sao Medgar Evers bị giết?

Là con thứ ba của ông bà James Evers, công nhân xưởng cưa, Medgar Evers sinh ngày 2/7/1925 ở Decatur, Mississippi. Năm 17 tuổi, Medgar tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ và đã tham gia cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp trong chiến dịch giải phóng châu Âu hồi Thế chiến II.

Bà Myrlie cùng các con bên linh cữu của chồng (ảnh nhỏ: Edgar Evers).

Bà Myrlie cùng các con bên linh cữu của chồng (ảnh nhỏ: Edgar Evers).

Năm 1946, Medgar giải ngũ với cấp bậc trung sĩ. Trở lại Mississippi, ông theo học trường cao đẳng Alcorn và được vinh danh là một trong những sinh viên xuất sắc nhất nước Mỹ. Nhận thức vấn đề phân biệt chủng tộc ngày càng gay gắt, Medgar gia nhập “Hiệp hội quốc gia về sự tiến bộ của người da màu”, viết tắt là NAACP. Có lẽ vì thế nên năm 1954, Medgar bị từ chối khi nộp đơn vào Đại học Luật Mississippi.

Từ đó, Medgar dành toàn bộ thời gian cho những hoạt động của NAACP trong cương vị thư ký thường trực bang Mississippi. Với những nỗ lực của Medgar, chỉ một thời gian ngắn số thành viên NAACP ở Mississippi từ 6.000 tăng lên hơn 15.000 và điều này đã khiến “Hội đồng công dân da trắng” ở Mississippi gai mắt, nhất là sau khi Madgar đưa vụ giết hại một thanh niên da đen là Emmett Till ra trước ánh sáng.

Tháng 8/1955, Emmett Till lúc ấy 14 tuổi trên đường đi thăm người thân ở Money, Mississippi thì bị một nhóm đàn ông da trắng bắt giữ với lý do “tán tỉnh vợ của một chủ cửa hàng”. Ba ngày sau, thi thể của Till được tìm thấy ở một con sông gần đó. Cậu bé bị bắn vào đầu và bị dìm xuống nước bằng một thanh kim loại để phi tang.

Trước cái chết oan uổng của con trai, bà Mamie Till Bradley quyết định tổ chức tang lễ công khai để dư luận biết về số phận của người Mỹ gốc Phi. Nghi ngờ cảnh sát sẽ cho vụ việc “chìm xuồng”, Medgar cùng hai thành viên của NAACP mở cuộc điều tra. Kết quả đã chứng minh rằng Emmett Till bị bắt cóc bởi một lý do không có thật và bị hai người da trắng là Ruby Hurley, Amzie Moore giết. Tuy nhiên trong phiên tòa, cả Ruby Hurley lẫn Amzie Moore đều được tuyên không có tội! Phẫn nộ trước bản án bất công, hơn 20.000 người đa đen ở Mississippi tổ chức biểu tình đòi công lý cho Emmett Till, dẫn đến sự đàn áp của 30.000 vệ binh quốc gia khiến 2 người da đen thiệt mạng.

Sau vụ Emmett Till, Medgar liên tục phải đối mặt với những đe dọa, nhất là khi ông kêu gọi chính quyền bang Mississippi phải tôn trọng quyền bầu cử của người da đen đồng thời phải bãi bỏ luật cấm người da đen nhập học trong những trường công lập, được tự do ra vào công viên, bãi biển, bình đẳng với người da trắng trên xe bus…, thì với “Hội đồng công dân da trắng”, giọt nước đã tràn ly!

Hiện trường nơi Medgar Evers bị sát hại.

Hiện trường nơi Medgar Evers bị sát hại.

0 giờ 40 phút sáng 12/6/1963, sau khi kết thúc cuộc họp với các thành viên NAACP và khi Medgar dừng xe trước cửa nhà ở hạt Jackson, bang Mississippi rồi lúc bước xuống, ông lĩnh một phát đạn vào lưng, bắn ra từ khẩu súng của một gã đàn ông đứng trong bụi cây, cách ông khoảng 10m. Bà Myrlie, vợ ông cho biết lúc nghe tiếng súng, bà bước đến cửa sổ nhìn ra. Dưới ánh đèn đường, bà thấy chồng bà nằm sấp trong vũng máu. Gần đó, một gã đàn ông đang loạng choạng leo lên chiếc xe hơi màu đen. Gã vội vã đến nỗi không kịp nhặt khẩu súng trường rơi xuống đất. Sau này Cục Điều tra liên bang FBI xác nhận rằng độ giật của khẩu súng trường Enfield đã khiến ống ngắm đập vào mắt hắn, gây chấn thương nặng ở gò má.

Cùng lúc, những người hàng xóm nghe tiếng súng cũng chạy ra. Họ đỡ Medgar lên nhưng phải một lúc lâu cảnh sát mới xuất hiện. Sau khi thu khẩu súng, cảnh sát đưa ông vào bệnh viện. Medgar chết 50 phút sau đó ở tuổi 37. Kết quả điều tra xác định rằng khẩu súng là loại Enfield, chuyên dùng để bắn tỉa và chủ nhân của nó là Byron de la Beckwith, thành viên “Hội đồng công dân da trắng”, nổi tiếng là kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thù ghét người da đen một cách điên cuồng. Điều đáng nói là cái chết của Medgar xảy ra chỉ vài giờ sau bài phát biểu mang tính bước ngoặt về quyền công dân của Tổng thống Kennedy.

5 tháng sau, đến lượt Tổng thống Kennedy bị ám sát nhưng những cải cách mà ông đưa ra trong bài phát biểu đêm 11/6/1963 sẽ trở thành đạo luật công bằng xã hội sâu rộng nhất trong lịch sử nước Mỹ với tên gọi Đạo luật Dân quyền. Cũng bài phát biểu này đã tiếp sức cho bà Myrlie trong việc bắt kẻ sát nhân phải trả giá dù việc ấy kéo dài đến 31 năm.

Công lý bị nhạo báng

Ngay trong đám tang Medgar, các cuộc biểu tình nổ ra ở hạt Jackson rồi bùng phát thành bạo động với sự tham dự của hơn 50.000 người da đen, dẫn đến sự đụng độ dữ dội giữa họ và cảnh sát. Theo một bài tường thuật trên tờ New York Times lúc ấy thì Beckwith, kẻ đã giết Medgar bị bắt nhưng việc truy tố hắn đã có sai sót ngay từ đầu.Trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn, không một người da đen nào được chọn mặc dù họ có 7 thành viên trong hội đồng bồi thẩm nên cũng dễ hiểu vì sao cả 3 lần xét xử, Beckwith đều được tuyên “vô tội vì không đủ chứng cứ”. Thậm chí khi phiên tòa cuối cùng kết thúc, Ross Barnett, thống đốc bang Mississippi đã đến cạnh Beckwith rồi vỗ vào vai hắn, một cử chỉ được cho là ủng hộ việc giết người.

Với Myrlie, vợ của Medgar, bà gọi bản án vô tội dành cho Beckwith là “sự nhạo báng công lý”. Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, bà nói: “Tôi sẽ làm tất cả để kẻ giết chồng tôi phải trả giá”. Vẫn theo Myrlie, trước khi phiên xử đầu tiên diễn ra, bà đã cung cấp cho tòa những bằng chứng bao gồm một chai bom xăng đã được ai đó ném vào nhà bà, cũng như một chiếc xe hơi đã cố tình lao vào Medgar vài tuần trước khi ông bị giết nhưng cả ba phiên xét xử, chẳng ai nhắc đến những chuyện này.

Beckwith (bên trái) lúc ra tòa.

Beckwith (bên trái) lúc ra tòa.

Sau phiên xử, mọi chuyện dần đi vào quên lãng nhưng với Myrlie thì không. Trong suốt 30 năm, bà kiên nhẫn tìm kiếm những người có thể là nhân chứng cho cái chết của chồng bà. Myrie nói: “Năm 1980, có nguồn tin cho tôi biết một người da trắng là Thompson đã từng nghe Beckwith kể về việc hắn nhiều lần quan sát địa thế ngôi nhà của tôi nhưng khi tôi tiếp xúc với Thompson, ông ấy bảo đó là chuyện bịa đặt”.

Năm 1989, Myrlie tìm gặp James Sandy, cũng là người da trắng vì 2 tiếng trước khi Beckwith bắn chồng bà, ông ta đã ngồi với hắn trong một quán rượu. Tuy nhiên lúc tìm được Sandy thì ông này đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh vì bệnh ung thư. Bà kể: “Suốt 2 tiếng bên cạnh giường Sandy, tôi vừa thuyết phục, vừa năn nỉ ông ấy nói cho tôi biết sự thật để nếu chết, ông ấy có thể ra đi trong thanh thản. Cuối cùng, khi biết Sandy đồng ý, tôi vội vã gọi cho người bạn luật sư…”. Trong đoạn băng ghi âm mà luật sư Sutherland lưu lại, có thể nghe thấy Sandy phều phào: “Beckwith nói với tôi rằng tối nay hắn sẽ làm nên lịch sử. Khi tôi hỏi đó là cái gì thì Beckwith trả lời “sẽ có một thằng con hoang phải chết vì cái ước mơ bình đẳng của nó”.

Tuy nhiên theo luật sư Sutherland, chứng cứ ấy chưa đủ để buộc tội Beckwith vì Sandy nói những lời này khi đã ốm nặng, và tòa có thể bác bỏ với lý do nhân chứng không ở trong tình trạng minh mẫn và tỉnh táo. Cũng trong năm 1989, Jerry Mitchell, phóng viên của tờ Jackson News cho Myrlie biết ông đã tìm được bằng chứng cho thấy Ủy ban chủ quyền Mississippi, là cơ quan nhà nước được thống đốc bang Mississippi bí mật trao quyền điều tra phong trào NAACP cũng như được phép theo dõi các nhà lãnh đạo phong trào bình đẳng chủng tộc, và họ đã giám sát Medgar suốt thời gian dài. Chứng cứ mà phóng viên Jerry Mitchell đưa cho Myrlie chỉ gồm một bản báo cáo dài 3 trang do Ủy ban chủ quyền Mississippi soạn thảo. Chưa hết, Myrlie còn nhận được từ được một nhân vật ẩn danh những tài liệu chứng tỏ trong quá trình điều tra vụ giết Medgar, một số cảnh sát đã ngụy tạo hồ sơ để chứng minh Beckwith ngoại phạm.

Án chung thân dành cho kẻ giết người

Năm 1990, Myrlie gửi đơn đề nghị Tòa án liên bang tiến hành thủ tục hồi tố vụ án. Thoạt đầu, tòa liên bang cho biết vì không có nhân chứng, khẩu súng mà Beckwith dùng để bắn Medgar cũng đã thất lạc nên rất khó xác định hắn có tội hay không.

Tuy nhiên, bối cảnh chính trị của năm 1990 khác hẳn với thời điểm Medgar bị giết. Đã có nhiều người da đen nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền nên cuối cùng, Tòa liên bang chấp thuận mở lại phiên xét xử. Khi thông tin ấy phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì thật bất ngờ, phía công tố nhận được hàng chục lời khai, tài liệu, chứng minh kẻ giết Medgar là Beckwith nhưng mãi đến đầu năm 1994, phiên tòa mới được mở.

Xuất hiện tại tòa trong bộ quần áo vest màu đen, trên ve áo có lá cờ của Liên minh miền Nam, dấu hiệu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc từ những năm 1960, Beckwith vẫn rất tự tin bởi sự cố vấn của 3 luật sư mỗi khi phía công tố đưa ra một bằng chứng mới dù rằng trong phiên tòa này, một nửa thành viên bồi thẩm đoàn là người da đen. Chỉ đến khi một nhân chứng da trắng là bác sĩ Daryl được mời ra trước tòa và khi Daryl hỏi Beckwith: “Anh Beckwith, anh còn nhớ tôi chứ. Anh có nhớ đã kể gì với tôi khi anh đến gặp tôi để nhờ chữa trị vết thương trên mắt và gò má do sức giật của khẩu súng lúc anh bóp cò không?”.

Lần này thì Beckwith chết sững. Tuyên thệ trước tòa rằng chỉ nói sự thật, bác sĩ Dary cho biết khi đến để nhờ ông chữa vết thương, hắn kể với ông rằng: “Đêm hôm qua, tôi đã bắn chết thằng con hoang Medgar. Khẩu súng giật mạnh quá nhưng tôi vẫn hài lòng. Vết thương này giúp tôi không bao giờ quên khi nhìn thấy nó đổ vật xuống như một thân cây bị phạt gốc…”.

Ngày 18/2/1994, sau hơn 3 tiếng nghị án, bồi thẩm đoàn tuyên bố Beckwith có tội vì đã giết nhà tranh đấu vì nhân quyền Medgar. Án phạt dành cho hắn là tù chung thân không ân xá. Ngay khi nghe xong lời tuyên án, bà Myrlie khóc: “Medgar, bây giờ thì em tin chắc rằng em đã đi hết chặng cuối của con đường”.

Tháng 9/2001, Beckwith chết trong tù ở tuổi 90. Cũng sau khi Beckwith bị kết án, bà Myrlie được các thành viên NAACP bầu làm chủ tịch đồng thời bà cũng là người sáng lập Viện Medgar Evers ở Jackson, Mississippi. Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Barak Obama hồi tháng 1/2013, bà là người phụ nữ da đen đầu tiên được mời đến dự…

Vũ Cao (Theo Crime Files)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/myrlie-evers-va-hanh-trinh-31-nam-dau-tranh-vi-cong-ly-i698959/