Na Hang gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, UBND huyện Na Hang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tổ chức các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, lựa chọn những nghề có nhu cầu hiện nay, dễ học, dễ làm, từ đó giúp người lao động sau khi học nghề có thể ứng dụng vào sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo.

Đồng chí Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo học nghề xong có việc làm ổn định, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương. Cụ thể, với các xã vùng cao như: Hồng Thái, Khâu Tinh… huyện chủ yếu mở các lớp dạy nghề nông nghiệp liên quan đến đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với các xã gần trung tâm sẽ tập trung đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như nghề xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, du lịch... đồng thời, tham mưu với UBND huyện ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn.

Lớp dạy nghề hướng dẫn viên du lịch do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức.

Lớp dạy nghề hướng dẫn viên du lịch do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức.

Việc đào tạo nghề ở Na Hang được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Ông Lý Văn Lềnh, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái cho biết: Kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi, sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Được tham gia vào lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang mở, ông đã được bổ sung nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh cho vật nuôi… Đến nay mỗi năm thu nhập của gia đình cũng được gần 100 triệu đồng.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang luôn chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học nghề, phát phiếu cho nhân dân chủ động đăng ký với địa phương tham gia lớp đào tạo theo nhu cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp tổ chức được 12 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ nghề cho gần 400 học viên. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng cây lương thực, cây ăn quả; kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt và kỹ thuật máy nông nghiệp, nghề hướng dẫn viên du lịch… Tại các lớp học nghề, ngoài việc học lý thuyết các học viên còn được đi thực tế tại cơ sở để thực hành, từ đó để người nông dân nắm chắc hơn các kiến thức được học áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cũng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Ngoài những lớp nghề nông nghiệp, hiện Trung tâm cũng mở nhiều lớp đào tạo các nghề liên quan đến hướng dẫn viên du lịch, quản lý kinh doanh khách sạn, kỹ thuật nấu ăn... theo nhu cầu thực tế tại địa phương. Sau khi học nghề đã có nhiều học viên tổ chức được các mô hình, điểm du lịch ngay tại địa phương.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay, huyện Na Hang đã mở được 50 lớp đào tạo nghề cho khoảng 1.800 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc sau học nghề đạt trên 80%. Nhờ học nghề mà hiện nhiều học viên đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/na-hang-gan-dao-tao-nghe-voi-nhu-cau-thuc-tien-140103.html