Na Lạng Sơn - một đặc sản của vùng đất xứ Lạng

Những tính chất, chất lượng đặc thù của quả na Lạng Sơn có được là do thích nghi với điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00140 “Lạng Sơn” cho sản phẩm quả na. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, quả na Lạng Sơn có trọng lượng từ 268,15g/quả trở lên, tỷ lệ phần ăn được từ 42,33% trở lên và độ Brix từ 11,2 độ trở lên.

Quả na Lạng Sơn - Ảnh: Cục SHTT

Quả na Lạng Sơn - Ảnh: Cục SHTT

Những tính chất, chất lượng đặc thù của quả na Lạng Sơn có được là do thích nghi với điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý.

Cụ thể, địa hình ở đây là các thung lũng và sườn núi đá vôi, thổ nhưỡng là nhóm đất đỏ vàng và mùn vàng đỏ trên núi đá vôi. Thành phần dinh dưỡng của đất, gồm đạm với tổng số trung bình 47,87 mg/kg, lân với tổng số trung bình 135,55 mg/kg, kali có tổng số trung bình 0,03 mg/kg…

Người dân tại khu vực địa lý lựa chọn đất thuộc khu vực núi đá vôi, khả năng thoát nước tốt để canh tác loại sản phẩm đặc thù này.

Sau 3 năm trồng cây sẽ tiến hành thu hoạch lần đầu tiên, những năm tiếp theo, người dân tại khu vực địa lý sẽ thu hoạch theo hai vụ. Trong đó, vụ chính từ tháng 7 đến hết tháng 8 dương lịch, vụ gối từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/na-lang-son-mot-dac-san-cua-vung-dat-xu-lang-220947.html