Na Rì chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian qua trên địa bàn huyện Na Rì xảy ra nhiều đợt mưa lớn, dông, lốc, sạt lở gây thiệt hại tài sản, hoa màu, vật nuôi, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Ngay sau khi xảy ra mưa, lũ, sạt lở, địa phương đã chủ động triển khai các phương án ứng phó và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả.

Mưa lớn đêm 14/8 và sáng 16/8/2021 làm sạt lở ta luy dương, ảnh hưởng tới 8 hộ dân và Nhà văn hóa tổ nhân dân Pàn Chầu, thị trấn Yến Lạc.

Mưa lớn đêm 14/8 và sáng 16/8/2021 làm sạt lở ta luy dương, ảnh hưởng tới 8 hộ dân và Nhà văn hóa tổ nhân dân Pàn Chầu, thị trấn Yến Lạc.

Do ảnh hưởng thời tiết bất thường, đêm 14/8 và sáng 16/8 trên địa bàn huyện xảy ra mưa to đã gây ảnh hưởng về hoa màu, nhà cửa tại các xã Đổng Xá, Quang Phong, Kim Lư và thị trấn Yến Lạc. Trong đó có 11 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất (ta luy dương).

Đặc biệt, mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng tới tuyến đường từ trung tâm thị trấn Yến Lạc vào Trung tâm Y tế huyện tại khu vực Nhà văn hóa tổ nhân dân Pàn Chầu, xuất hiện vết nứt rộng từ 0,1 – 0,4m tạo thành rãnh, cung trượt có chiều dài khoảng 70m, chiều cao trung bình từ 7-15m, chiều rộng khoảng 10m, khối lượng đất khoảng 3.500m3, nguy cơ sạt lở cao. Ảnh hưởng trực tiếp tại nơi có nguy cơ sạt lở gồm có 8 hộ dân với 30 nhân khẩu và nhà văn hóa tổ nhân dân Pàn Chầu…

Trước tình hình đó, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi kiểm tra hiện trường nguy cơ sạt lở do thiên tai tại tổ nhân dân Pàn Chầu, thị trấn Yến Lạc. Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện có báo cáo chi tiết đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các hộ dân và có văn bản cảnh báo, phương án đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư xung quanh; chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân chủ động các phương án, giải pháp phòng, chống sạt lở. Đồng chí đề nghị di dời các hộ gia đình đang sinh sống trong các vùng nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn khi có mưa to, gió lớn. Về lâu dài cần quy hoạch lại các khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân...

Ngay sau đó, huyện Na Rì đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực sạt lở, đối với 04 hộ gần điểm sạt lở, địa phương tuyên truyền người dân ra khỏi nhà, đến nơi an toàn khi có mưa lớn. Đặc biệt, 01 hộ ở sát điểm sạt lở, địa phương đã tổ chức đưa người dân ra khỏi khu vực nguy cơ tiếp tục sạt lở cao, bảo vệ tài sản. Về lâu dài, huyện Na Rì đề xuất 02 phương án là bố trí di dời người dân đến nơi ở mới, nhưng do quỹ đất không có nên địa phương đang tiến hành khảo sát, thăm dò địa chất, đề xuất nguồn vốn xây kè chắn sạt lở đất. Đồng thời, lực lượng BCH quân sự huyện và dân quân thị trấn Yến Lạc sẵn sàng lực lượng hỗ trợ người dân Pàn Chầu di chuyển người, tài sản khi có sạt lở xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Na Rì xảy ra nhiều đợt mưa to, gió lốc gây thiệt hại về nhà ở và sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có gần 1.000 nhà dân bị tốc mái; 02 phòng học của phân trường Khuổi Luông, xã Sơn Thành bị tốc mái hoàn toàn; 01 phòng học ở xã Đổng Xá bị cây đổ xuống mái gây hư hỏng và 01 phòng tin học bị tốc mái tại xã Cư Lễ. Về hoa màu, gần 40ha ngô ở các xã Côn Minh, Trần Phú, Văn Lang, Sơn Thành bị gãy đổ; hơn 13ha cây keo bị đổ... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng dân quân tự vệ, phân công các thành viên phụ trách theo dõi địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các gia đình bị thiên tai, khắc phục nhanh các công trình bị thiệt hại sau mỗi đợt mưa dông.

Đồng chí Lương Thanh Lộc- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Bên cạnh công tác tuyên truyền và kế hoạch phòng, chống mưa lũ triển khai từ đầu năm, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, dông, lốc, huyện đã bố trí nguồn lực để khắc phục những điểm xung yếu, khẩn cấp, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời chuyển các bản tin dự báo thời tiết, công điện khẩn của Trung ương, của tỉnh đến các cơ sở để chủ động phòng, chống khi có thiên tai xảy ra. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị, cơ sở chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại để có phương án chỉ đạo khắc phục kịp thời”./.

Duy Khánh

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202108/na-ri-chu-dong-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-2b74194/