Na Rì nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng

Những năm qua, huyện Na Rì quan tâm, khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế rừng vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị thực của kinh tế rừng.

Na Rì là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn của tỉnh, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 75.000ha. Với lợi thế đó, hằng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; giao chỉ tiêu và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm toàn huyện trồng mới trên 500ha rừng. Đến hết năm 2021, diện tích rừng trồng mới của huyện đạt hơn 12.000ha, chủ yếu là cây keo, mỡ, quế...

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện khai thác hơn 68.600m3 gỗ. Sản phẩm gỗ khai thác được các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn thu mua chế biến. Chính vì vậy, trồng rừng không chỉ tạo việc làm mà còn nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân huyện Na Rì.

Ông Hoàng Văn Tân, người dân thôn Khuổi Tấy, xã Liêm Thủy cho biết: Gia đình tôi trồng rừng từ khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trồng đồi trọc. Sau nhiều năm đầu tư, đến nay gia đình đã có 15ha keo lai. Trung bình mỗi năm gia đình khai thác khoảng 1ha, thu về gần 60 triệu đồng (sau khi trừ chi phí đầu tư). Sản phẩm gỗ khai thác được các cơ sở chế biến thu mua tại chỗ, đây là điều kiện thuận lợi để gia đình tiếp tục đầu tư trồng rừng.

Để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị từ gỗ rừng trồng, huyện Na Rì đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn. Hiện, toàn huyện có 50 cơ sở chế biến gỗ ván bóc và có 15 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ làm đồ gia dụng.

Anh Nguyễn Thành Chinh, chủ xưởng bóc gỗ xã Đổng Xá cho biết: Xưởng của tôi hoạt động được 5 năm, công suất trung bình mỗi ngày từ 20 - 25m3 ván. Chúng tôi thu mua toàn bộ gỗ rừng trồng của bà con trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Để chủ động nguồn nguyên liệu, tôi còn liên kết, ký hợp đồng sản xuất gỗ với một số hộ gia đình trên địa bàn xã, như: Hỗ trợ vốn đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc. Hiện, xưởng chế biến của tôi tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy theo tính chất công việc.

 Sản lượng gỗ khai thác ở Na Rì chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ván bóc.

Sản lượng gỗ khai thác ở Na Rì chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ván bóc.

Việc đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến lâm sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, giá trị kinh tế trong lĩnh vực chế biến lâm sản ở Na Rì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai và giá trị thực từ rừng.

Thực tế ở Na Rì hiện nay, người dân trồng rừng vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có liên doanh, liên kết; kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa khoa học; chu kỳ trồng rừng ngắn từ 4 - 5 năm làm giảm giá trị kinh tế, nhất là đối với cây keo. Giá trị lợi nhuận sau khai thác chỉ đạt khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/chu kỳ, trong khi nếu để chu kỳ dài hạn khai thác 7 - 8 năm giá trị kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần. Nguyên nhân bởi tâm lý người dân cần thu hồi vốn nhanh để trang trải cuộc sống, tái sản xuất, tránh rủi ro do mưa bão… Vì vậy, người dân chủ yếu bán “gỗ non” cho các cơ sở chế biến gỗ ván bóc, không có giá trị trong chế biến đồ thủ công, gia dụng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, kinh doanh đồ gia dụng. Hiện toàn huyện có 10/15 cơ sở chế biến, kinh doanh đồ gia dụng đã tạm dùng hoạt động, công việc chính của các cơ sở thời điểm này là buôn bán và sửa chữa đồ gia dụng cho các gia đình có nhu cầu, nguyên dân là do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đồ gia dụng.

Trên địa bàn huyện Na Rì mặc dù có nhiều cơ sở chế biến gỗ đầu tư dây chuyền hiện đại nhưng chủ yếu chế biến gỗ ván bóc xuất khẩu, hoặc xuất gỗ thô đi về xuôi, nên giá trị mang lại thấp. Thiếu các cơ sở đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ...

Trồng rừng gỗ lớn, xây dựng cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi, từ trồng rừng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm là định hướng phát triển rừng trồng hiện nay. Để thực hiện điều này, huyện cần có giải pháp khuyến khích các cơ sở chế biến liên kết với các chủ rừng tạo vùng trồng nguyên liệu bền vững. Đồng thời xây dựng quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị kinh tế gỗ rừng trồng, phát huy tiềm năng của địa phương./.

Đồng Lai

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202206/na-ri-nang-cao-gia-tri-kinh-te-rung-trong-31123da/