Na Rì thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Với sự vào cuộc từ cấp huyện đến cơ sở và sự chủ động vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Na Rì có chuyển biến tích cực.

Trồng cây ăn quả có múi đã giúp nhiều hộ dân ở các địa phương như Kim Lư, Văn Minh, Liêm Thủy, thị trấn Yến Lạc... thoát nghèo.

Trồng cây ăn quả có múi đã giúp nhiều hộ dân ở các địa phương như Kim Lư, Văn Minh, Liêm Thủy, thị trấn Yến Lạc... thoát nghèo.

Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp, từ thống nhất quan điểm chỉ đạo, tổ chức hành động đến việc tăng cường tuyên truyền đến từng thôn, bản, hộ dân, góp phần làm chuyển biến nhận thức, để người dân vươn lên thoát nghèo. Phát huy lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng việc tập trung vào trồng cây ăn quả có múi, cây dong riềng và một số loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2018 đến nay, Na Rì đã chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô, lúa giống mới, đậu tương, lạc, dong riềng, thạch đen, cây ăn quả...

Năm 2021, huyện tập trung sản xuất, nhân rộng mô hình sinh kế bền vững. Hiện có 26 dự án được duy trì thực hiện thông qua chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình sinh kế bền vững, trong đó có 03 dự án sản xuất miến tráng tay, 01 dự án nuôi cá, 02 dự án nuôi gà và 20 dự án chăn nuôi trâu cái sinh sản. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tranh thủ các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động... Trong năm, trên địa bàn huyện có trên 900 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế với tổng doanh số cho vay trên 48 tỷ đồng; mở được 05 lớp dạy nghề về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, nuôi và phòng trị bệnh cho gà và thủy cầm; xuất khẩu lao động được 17 người...

Ở Na Rì, phát triển cây ăn quả có múi và trồng, chế biến miến dong đã và đang được người dân tập trung đẩy mạnh; cùng với đó là việc sản xuất, chế biến có đầu tư theo quy trình khoa học, an toàn hữu cơ; các hợp tác xã sản xuất thành hàng hóa, liên kết nâng cao giá trị kinh tế mang tính bền vững. Vùng trồng cam, quýt của huyện tập trung ở các xã: Kim Lư, thị trấn Yến Lạc, Văn Minh, Liêm Thủy...; vùng trồng, sản xuất miến dong tập trung ở các xã: Côn Minh, Cư Lễ, Trần Phú... Nhiều địa phương chuyển biến tích cực trong cả cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp đảng ủy, chính quyền đến việc người dân chủ động vươn lên cải tạo đất, đầu tư sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản giá trị kinh tế cao. Phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình ngày càng được quan tâm, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tiếp tục được duy trì... Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Na Rì trong năm 2021 giảm được 4,43%, đạt 126,57% chỉ tiêu kế hoạch của huyện, đạt 177,2% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.

Có thể nói, công tác giảm nghèo của huyện Na Rì đang tiếp tục có những chuyển biến đáng mừng, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển bền vững. Năm 2022, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5% trở lên. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, nâng giá trị kinh tế thu nhập để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương, gắn với nguồn lực và các chính sách hỗ trợ để lựa chọn và tập trung hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo. Chú trọng lựa chọn cây trồng chủ lực, xây dựng sản phẩm thành hàng hóa để sản xuất, phát triển. Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế.../.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202202/na-ri-thuc-hien-hieu-qua-cong-tac-giam-ngheo-d041007/