Nã tên lửa gần căn cứ Nga ở Syria, Thổ đối diện với đòn đáp trả khó lường từ Nga?
Thổ Nhĩ Kỳ bắn tên lửa vào các vị trí của lực lượng người Kurd ở làng Belionah và các khu vực lân cận căn cứ quân sự của Nga tại Syria.
Các nhà hoạt động của tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, trong những giờ đầu của ngày hôm qua, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn tên lửa vào các vị trí của lực lượng người Kurd ở vùng nông thôn phía bắc Aleppo. Vụ nổ súng cũng nhắm vào làng Belionah và các khu vực lân cận của thành phố Tal Refaat, nơi có căn cứ quân sự của Nga đóng quân, nhưng hiện vẫn chưa có báo cáo về thương tích.
Trước đó, Đài quan sát Syria đã ghi lại các cuộc đụng độ mới bằng vũ khí hạng trung và hạng nặng, giữa lực lượng người Kurd và các phe phái do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trên chiến tuyến Kaljabrin ở vùng nông thôn Aleppo. Các cuộc đụng độ diễn ra trong bối cảnh hỏa lực pháo binh giữa hai bên chiến đấu khốc liệt.
Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào vùng ngoại ô làng Baynah al-Gharbiyah ở vùng nông thôn phía bắc của Aleppo bằng pháo hạng nặng. Tuy nhiên, không có thương vong nào được báo cáo.
Hôm 19/5, các nguồn tin của Đài quan sát đưa tin rằng 4 binh sĩ của quân đội chính phủ đã bị thương sau khi bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân gần Bệnh viện Quốc gia ở thành phố Azaz nhắm bắn bằng vũ khí hạng nặng vào một đồn quân sự của lực lượng quân đội chính phủ gần nhà thờ Hồi giáo của làng Maranaz, phía bắc Aleppo.
Ngoài ra, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn phá các khu vực xung quanh phía bắc thành phố Tel Rifaat và làng Ain Daqna, nhưng không có thêm thương vong nào được báo cáo.
Sự thăng trầm của mối quan hệ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm xung đột trong nhiều vấn đề ở Syria cũng như ở các nơi khác như Libya, Ukraine và Caucasus. Mặc dù vậy, lâu nay hai bên đã cố gắng tìm cách luôn giữ kênh đối thoại mở. Cách tiếp cận như vậy giúp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp có thể xảy ra trong khi phô trương sức mạnh ở nước ngoài.
Ngoài ra, cả hai nước đều sử dụng các cuộc đối thoại để cân bằng các hoạt động của Mỹ trong các khu vực lân cận của họ.
Trong khi đó, ở một góc khác, Điện Kremlin cũng đang tìm kiếm những cơ hội mới để thắt chặt mối quan hệ với Ankara. Ví dụ sinh động cho vấn đề này chính là việc giải quyết xung đột Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có lợi ích mâu thuẫn ở Syria, nhưng cả hai bên đã thống nhất được cách tiếp cận để mang đến lợi ích cho cả hai bên, trong khi vẫn hạn chế tác động của Mỹ.
Hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong thập kỷ qua thể hiện sự chuyển hướng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi phương Tây. Định hướng này giúp nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giành thắng lợi sau những chông gai mà ông phải đối mặt từ những cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016.
Cũng giống như ông Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng thích đối thoại trực tiếp với người đồng cấp trong các vấn đề chính sách đối ngoại. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà sau khi máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay phản lực quân sự của Nga vào tháng 11/2015, hai nhà lãnh đạo đã nhiều lần có xu hướng tham gia vào các cuộc đàm phán một đối một để giải quyết các vấn đề song phương thay vì gửi thông điệp cho nhau thông qua các phương tiện truyền thông.
Trong cuộc họp báo thường niên cuối năm 2020, ông Putin cho biết: “Chúng tôi có những quan điểm khác nhau, đôi khi đối lập về một số vấn đề với Tổng thống Erdoğan. Nhưng ông ấy rất giữ lời”.
Có điều, sự hợp tác quân sự-kỹ thuật ngày càng phát triển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine khiến Nga đang lặng lẽ quan sát. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov gần đây tuyên bố rằng Moscow sẽ xem xét lại sự hợp tác quân sự và kỹ thuật với Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ giao máy bay không người lái cho Ukraine. Bởi vậy, mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan và nhà lãnh đạo Nga Putin sẽ rất quan trọng cho mối quan hệ hai nước trong bối cảnh quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều gập ghềnh.