Na Uy có kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển

Giới chức Na Uy đang hoàn thiện kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển Greenland và biển Na Uy, phía tây nam quần đảo Svalbard ở Bắc Cực, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về những nguồn tài nguyên này ở châu Âu.

Quần đảo Svalbard. Ảnh: Sputnik

Quần đảo Svalbard. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik (Nga), ông Amund Vik, Quốc vụ khanh Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, cho biết việc khai thác kim loại dưới biển sâu sẽ giúp châu Âu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khoáng sản và đất hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

Hai tuần tới, Bộ Năng lượng Na Uy sẽ trình lên Quốc hội dự thảo kế hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản ở vùng biển có diện tích bằng cả nước Đức. Cuộc bỏ phiếu về dự án khai thác này dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu tới.

Theo dữ liệu, khu vực này ước tính có tới 38 triệu tấn đồng, nhiều mỏ coban lớn, cùng các mỏ đất hiếm như neodymi và dysprosi, được sử dụng để lắp ráp xe điện và tuabin gió. Nếu kế hoạch trên được thông qua, Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên có tiềm năng khai thác kim loại sản xuất pin từ đáy biển.

Ngoài chuyển đổi xanh, khai thác khoáng sản dưới biển sâu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, khi nguồn cung hiện tại của các kim loại này phần lớn do Trung Quốc kiểm soát. Hiện nay, 98% nhu cầu về đất hiếm của châu Âu được đáp ứng thông qua nhập khẩu từ Trung Quốc.

Rào cản tiềm ẩn

Na Uy lập luận rằng quốc gia này có quyền khai thác độc quyền theo Hiệp ước Svalbard năm 1920.

Hiệp ước này trao cho Oslo chủ quyền đối với với quần đảo Svalbard, nhưng vẫn trao cho các quốc gia khác quyền hoạt động kinh tế trên đất liền và trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo này. Do đó, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều bất đồng với Na Uy về diện tích vùng biển được xác định trong hiệp ước.

Hammerfest, phía Bắc Na Uy. Ảnh: Sputnik

Hammerfest, phía Bắc Na Uy. Ảnh: Sputnik

Ngoài ra, kế hoạch phát triển ngành khai thác mỏ của Na Uy đã tạo ra làn sóng phản đối từ các ngư dân cũng như nhà bảo vệ môi trường. Họ lo ngại kế hoạch khai khoáng này có thể gây ô nhiễm hệ sinh thái biển trong tương lai, đặc biệt là khả năng giải phóng các hạt kim loại nặng độc hại. Trong đó, Cơ quan môi trường của Na Uy đã kiên quyết phản đối kế hoạch này, cho rằng Chính phủ đã không cung cấp đầy đủ dữ liệu về tính bền vững.

Đáp lại, Oslo cho rằng khả năng xảy ra xung đột quyền lợi là rất nhỏ, do hoạt động đánh bắt cá và giao thông hàng hải trong khu vực quần đảo Svalbard chỉ ở mức hạn chế. Đồng thời, giới chức cũng nhấn mạnh các cam kết sâu sắc đối với việc bảo vệ môi trường.

Các nguyên tố đất hiếm

Các nguyên tố đất hiếm (REE) là thuật ngữ chung cho 17 loại khoáng chất được sử dụng trong hầu hết các công nghệ hiện đại - chẳng hạn công nghệ laser, công nghệ y tế, quốc phòng, điện tử, thiết bị truyền thông và phần cứng.

EU ước tính nhu cầu đất hiếm để sử dụng trong nam châm vĩnh cửu – cần thiết để sản xuất ô tô điện và tuabin gió – sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2050, nhưng phần lớn lượng nhập khẩu hiện nay của khối này đến từ Trung Quốc.

Nhu cầu về đất hiếm đang tăng nhanh. Ủy ban châu Âu dự kiến nhu cầu này sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030, chủ yếu do các quốc gia đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh – bằng loạt hoạt động quan trọng như điện khí hóa giao thông, công nghiệp và năng lượng gió.

Song Na Uy không phải là trụ cột duy nhất để thúc đẩy khai thác đất hiếm của EU. Công ty khai thác mỏ Thụy Điển LKAB cũng thông báo đã phát hiện ra một mỏ đất hiếm lớn ở Kiruna. Thông báo của LKAB nêu rõ mỏ đất hiếm nói trên nằm cạnh một mỏ quặng sắt và có trữ lượng hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định được trữ lượng chính xác. Giới chức cho rằng phải đến năm 2030, Thụy Điển mới có thể bắt đầu khai mỏ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/na-uy-co-ke-hoach-khai-thac-khoang-san-duoi-day-bien-20230610002214449.htm