Na Uy từ chối tham gia lá chắn tên lửa của NATO
Dù tăng cường chi tiêu quốc phòng đến gần mức chi tiêu của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Na Uy đã quyết định không tham gia mạng lưới phòng thủ tên lửa của khối này.
Đài Sputnik đưa tin Chính phủ Na Uy vừa quyết định không tham gia lá chắn tên lửa của NATO. Cuộc tranh luận về khả năng tham gia của Na Uy từ lâu đã làm dấy lên lo ngại về căng thẳng giữa Oslo và Moskva.
“Thông qua đánh giá chính sách an ninh một cách toàn diện, chính phủ đã quyết định Na Uy không xem xét việc mua các thiết bị cảm biến công nghệ cao hoặc tên lửa đánh chặn có thể trở thành một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO", Ủy ban Ngân sách Nhà nước Na Uy cho biết. Bà Julie Wilhelmsen, chuyên gia Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy (NUPI) nhận định: “Tôi cho rằng quyết định này nhằm tránh gây thêm căng thẳng”.
Một tài liệu quốc phòng bí mật của Na Uy năm 2017 đã chỉ ra “mối đe dọa” từ Nga là lý do Oslo nên tham gia “lá chắn tên lửa”. Văn bản này cũng liệt kê những lỗ hổng và thiếu hụt đáng kể trong hệ thống phòng không của Na Uy, khiến nước này khó có thể tự bảo vệ mình.
Cùng lúc đó, ngân sách mới của Na Uy đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức chiếm 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiệm cận so với mục tiêu chi tiêu 2% của NATO. Trong bản báo cáo năm 2019 của NATO được công bố hồi tháng 6, chi tiêu quốc phòng của NA Uy xếp thứ 13 trong liên minh quân sự này, tụt hạng từ vị trí thứ 10 của năm 2017.
“Đa số các quốc gia khác đều chi tiêu nhiều hơn Na Uy. Đó là lý do vì sao chúng ta tụt hạng trong danh sách”, Tổng thư ký NATO kiêm cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg trả lời nhật báo Verdens Gang.
Trong thập kỷ qua, các kế hoạch của NATO nhằm xây dựng lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu đã trở thành một trong những vấn đề gây chia rẽ lớn nhất giữa Nga và NATO. Giới chức NATO liên tục đảm bảo hệ thống phòng thù này không nhắm vào Nga mà bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào từ bên ngoài châu Âu. Tuy nhiên, Moskva đã phản đối với lập luận rằng lá chắn trên sẽ làm thay đổi thế cân bằng giữa các cường quốc hạt nhân, châm ngòi chạy đua vũ trang.