'Na Uy-Việt Nam: Hợp tác vì một tương lai tuần hoàn và bền vững'

Na Uy đang tích cực đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thông qua các dự án quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững. Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken khẳng định, đây không chỉ là một sáng kiến môi trường, mà còn là cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai quốc gia.

Cuối tháng 4/2025, Đại sứ quán Vương quốc Na Uy và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác cho dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững”.

Dự án nối tiếp các hoạt động từ năm 2019, đã triển khai nhiều mô hình tại các địa phương là Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh thông qua hai giải pháp chính: Xây dựng mô hình quản lý chất thải với cơ sở thu hồi vật liệu và đồng xử lý trong lò nung xi-măng; Thử nghiệm chương trình hoàn trả bao bì nhựa.

Dự án nhằm thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác công tư, nhân rộng các mô hình hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có buổi trò chuyện với Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken chung quanh các nội dung trên.

Phóng viên: Thưa Đại sứ, bà có thể chia sẻ lý do tại sao Na Uy lại quan tâm và tham gia vào lĩnh vực quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững tại Việt Nam?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken: Việc Na Uy tham gia hỗ trợ Việt Nam trong quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và bền vững xuất phát từ cam kết vững chắc của chúng tôi về bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.

Chương trình phát triển của Na Uy về phòng, chống rác thải nhựa và vi nhựa trên biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại nguồn, đặc biệt tập trung vào các quốc gia đang phát triển. Với đường bờ biển dài và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là đối tác quan trọng trong nỗ lực này.

Một trong những sáng kiến nổi bật mà chúng tôi triển khai là Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác cho dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững”.

Dự án hỗ trợ Việt Nam quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hai giải pháp chính: Xây dựng mô hình quản lý chất thải với cơ sở thu hồi vật liệu và đồng xử lý trong lò nung xi-măng; Thử nghiệm chương trình hoàn trả bao bì nhựa.

Dự án nối tiếp các hoạt động từ năm 2019, đã triển khai nhiều mô hình tại các địa phương như Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Na Uy và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cam kết tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác công tư và nhân rộng các mô hình hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Thông qua chương trình này, chúng tôi hỗ trợ các dự án có mục tiêu thúc đẩy quản lý chất thải tích hợp, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong tái chế, và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững" hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu này.

Dự án có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, và xã hội dân sự để cùng nhau kiến tạo các giải pháp vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.

Phóng viên: Mục tiêu chính của dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững” là gì? Đại sứ kỳ vọng những tác động nào sẽ đạt được?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken: Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững” có một số mục tiêu chính, tất cả đều nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Một trong những trọng tâm chiến lược của dự án là thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo chẳng hạn như đồng xử lý trong ngành xi-măng đây là phương pháp cho phép, sử dụng an toàn chất thải không thể tái chế làm nhiên liệu thay thế cho than và nguyên liệu thô trong lò nung xi-măng. Đây là giải pháp tuần hoàn đã được chứng minh giúp giảm sự phụ thuộc vào các bãi chôn lấp, giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ để các hoạt động sản xuất công nghiệp trở nên sạch hơn.

Bằng cách tích hợp sáng kiến này vào chương trình khung có quy mô hơn với nhiều bên liên quan tham gia hơn, chúng tôi muốn chứng minh tính khả thi của việc mở rộng sự cộng sinh công nghiệp để giải quyết cả các thách thức về môi trường và kinh tế.

Một khía cạnh sáng tạo quan trọng khác của dự án là việc thí điểm cơ chế hoàn trả bao bì nhựa. Mục đích là, khuyến khích việc hoàn trả và tái chế các vỏ hộp đồ uống thông qua một hệ thống đặt cọc có thể hoàn lại. Hệ thống này được thiết kế để giảm thiểu rác thải, gia tăng tỷ lệ tái chế và huy động người tiêu dùng trực tiếp tham gia các thực hành tuần hoàn.

Nếu thành công, chương trình thí điểm này sẽ trở thành thiết kế mẫu để triển khai cơ chế hoàn trả bao bì nhựa trên toàn quốc, góp phần thực hiện các mục tiêu lớn hơn của Việt Nam trong khuôn khổ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Chúng tôi kỳ vọng dự án này sẽ có tác động đáng kể. Trong ngắn hạn, dự án sẽ cải thiện việc thu gom và xử lý rác thải tại các khu vực thí điểm, giảm rò rỉ nhựa ra môi trường và tạo ra việc làm xanh. Về lâu dài, chúng tôi hy vọng dự án sẽ đóng vai trò là mô hình có thể nhân rộng để quản lý rác thải bền vững hơn ở Việt Nam và trong khu vực.

Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác tuyệt vời của các cơ quan chức năng Việt Nam ở cả Trung ương và địa phương, cũng như các đối tác của chúng tôi trong khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế. Sự cam kết, chuyên môn và tinh thần cởi mở của họ đối với sự các sáng kiến đổi mới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa dự án này. Chính tinh thần hợp tác này là yếu tố giúp chúng ta đạt được những tiến bộ có ý nghĩa và lâu dài hướng tới một tương lai tuần hoàn và bền vững.

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken trao đổi với các đối tác về dự án.

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken trao đổi với các đối tác về dự án.

Phóng viên: Dự án có điểm gì khác biệt hoặc đổi mới so với các sáng kiến về môi trường khác mà Na Uy đã từng hỗ trợ? Dự án sẽ tập trung vào loại chất thải nào nhựa, rác thải điện tử, hay các dòng chất thải công nghiệp khác?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken : Dự án này là sự tiếp nối dựa trên kết quả thực hiện của các giai đoạn trước đó. Cụ thể là, phần một tập trung vào việc nâng cao nhận thức và phần hai tập trung vào cơ sở thu hồi vật liệu quy mô nhỏ để tái chế. Khi bắt đầu dự án năm 2019, chúng tôi phối hợp chính quyền năm tỉnh thành phố, gồm Quảng Ninh, Bình Thuận, Bình Định, Bình Dương và Đà Nẵng. Từ đầu năm 2022, các hoạt động dự án được triển khai tại hai tỉnh Quy Nhơn và Bình Định.

Đây có thể coi là dự án phần ba sẽ kéo dài ba năm. Mục tiêu của phần ba là phối hợp với Công ty xi-măng Lam Thạch xây dựng một cơ sở thu hồi vật liệu cho đồng xử lý tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh); và thử nghiệm mô hình hoàn trả bao bì tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng phối hợp công ty TOMRA của Na Uy và một số đối tác khác trong khu vực tư nhân. Na Uy cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Mặc dù trong thời gian ba năm tới dự án chủ yếu tập trung vào rác thải nhựa không thể tái chế hiện phần lớn đang được xử lý bằng cách chôn lấp ở Việt Nam, nhưng rác thải nhựa sẽ đến từ nhiều nguồn trong đó có rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, và rác thải nhập khẩu bị bỏ lại cần xử lý đúng cách.

Phóng viên: Đại sứ nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken: Tương lai hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải đang mở ra nhiều triển vọng tươi sáng.

Trong những năm qua, chúng ta đã cùng nhau xây dựng được một nền tảng vững chắc dựa trên sự tin cậy, mục tiêu chung và những hợp tác cụ thể, thiết thực. Khi mà Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Na Uy cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác đồng hành lâu dài trên chặng đường này.

Nhìn về phía trước, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác của chúng ta, đặc biệt trong một số lĩnh vực then chốt. Đó là việc nhân rộng các mô hình thành công như đồng xử lý chất thải trong ngành xi-măng và hệ thống hoàn trả bao bì nhựa, tăng cường hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, cũng như thúc đẩy đổi mới thông qua các giải pháp số và tài chính xanh.

Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và xây dựng chính sách là những lĩnh vực mà Na Uy có thể chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời học hỏi từ bối cảnh sôi động và đầy tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Quan trọng hơn nữa, chúng tôi mong muốn được chứng kiến sự gia tăng của các mô hình hợp tác ba bên và đa phương, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các cơ quan phát triển, và khu vực tư nhân, để tạo ra sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ hơn.

Khu vực tư nhân đã và đang tham gia trong dự án này, khi các khung thể chế liên quan được hoàn thiện nó sẽ mở ra thêm cơ hội hợp tác mới cho các công ty của Na Uy và Việt Nam.

Cam kết chung của chúng ta đối với nền kinh tế tuần hoàn không chỉ dừng lại ở việc quản lý chất thải, mà còn hướng đến việc kiến tạo một tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng thích ứng hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác bền chặt giữa Na Uy và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho cả hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hành tinh của chúng ta.

Việt Nam có ngành công nghiệp xi-măng lớn thứ ba trên thế giới với lượng khí phát thải chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải CO2 của cả nước. Na Uy và Việt Nam có thể hợp tác để mở rộng quy mô áp dụng phương pháp đồng xử lý trong ngành công nghiệp xi-măng. Đây là giải pháp mang lại lợi ích cho cả ba bên: khí hậu, môi trường và doanh nghiệp.

Phương pháp đồng xử lý trong công nghiệp xi-măng giúp giải quyết được vấn đề phát thải khí CO2 và vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa không thể tái chế. Phương pháp này cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành cho các nhà máy xi-măng.

Phương pháp cũng được chứng minh và đã thử nghiệm trong giai đoạn một của dự án OPTOCE (biến rác thải nhựa đại dương thành nền kinh tế tuần hoàn) do Na Uy hỗ trợ tại 8 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác, gồm Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Xi-măng Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam để xây dựng giai đoạn 2 của dự này nhằm mở rộng quy mô áp dụng ra toàn ngành xi-măng Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken và đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững tại Việt Nam ngày 22/4.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken và đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững tại Việt Nam ngày 22/4.

Phóng viên: Dự án có sự tham gia của những đối tác quốc tế hoặc tổ chức đa phương nào khác không, và làm thế nào để các bên phối hợp hiệu quả?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken : Tất nhiên là có, dự án này được hưởng lợi từ sự tham gia tích cực của một số đối tác quốc tế và đa phương. Hợp tác nhiều bên là một trong những thế mạnh chính của dự án.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc là đối tác thực hiện lâu dài và đáng tin cậy của chúng tôi, có chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực phát triển bền vững, đối thoại chính sách và điều phối các bên liên quan. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo rằng dự án được triển khai một cách bao trùm, sát với thực tiễn địa phương và phù hợp với các ưu tiên quốc gia của Việt Nam.

Phóng viên: Na Uy kỳ vọng điều gì từ phía các cơ quan, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong quá trình triển khai dự án?

Đại sứ Vương quốc Na Uy Hilde Solbakken : Để dự án này đạt được thành công và tạo ra tác động lâu dài, điều then chốt là các cơ quan hữu quan Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải chủ động tham gia, tích cực mạnh mẽ.

Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò lãnh đạo và sự phối hợp hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như chính quyền địa phương tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng hành của địa phương, chúng tôi tin rằng một khuôn khổ pháp lý đồng bộ và vững chắc đóng vai trò nền tảng để bảo đảm tính bền vững lâu dài cho các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn.

Điều này bao gồm việc xây dựng các chính sách rõ ràng về phân loại rác thải, tiêu chuẩn xử lý và cơ chế thực thi, cũng như việc triển khai hiệu quả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cũng như các thông lệ quốc tế phổ biến nhất để hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý này.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken gặp gỡ các chị thu gom ve chai ở Huế.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken gặp gỡ các chị thu gom ve chai ở Huế.

Quan trọng không kém là việc phối hợp liên ngành. Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải là những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực từ môi trường, công nghiệp, xây dựng đến tài chính và y tế cộng đồng.

Chúng tôi khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành để xây dựng các chiến lược thống nhất, tránh chồng chéo trong chính sách, và bảo đảm rằng các quy định bổ trợ lẫn nhau, hướng đến các giải pháp thực tiễn và hỗ trợ lẫn nhau.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi mong được thấy sự tham gia tích cực của họ vào việc thử nghiệm các mô hình mới, đầu tư vào công nghệ xanh và ứng dụng các thực hành mang tính tuần hoàn.

Đối với người dân, chúng tôi hy vọng công chúng sẽ hưởng ứng liên tục và thay đổi hành vi tiêu dùng. Bởi lẽ, một nền kinh tế tuần hoàn không chỉ được kiến tạo bởi chính sách, mà còn hình thành từ những hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trông cậy vào cam kết mạnh mẽ và hỗ trợ sâu rộng từ các cơ quan chủ chốt như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, cùng chính quyền các địa phương Cẩm Phả, Quảng Ninh và Phú Quốc, Kiên Giang.

Phóng viên: Thông điệp mà Đại sứ muốn gửi đến cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc chung tay quản lý chất thải một cách tuần hoàn và bền vững là gì?

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken : Rác thải không chỉ là bài toán mà đó còn là cơ hội lớn. Khi được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách trong suốt vòng đời của nó, rác thải có thể trở thành nguồn tài nguyên có giá trị thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác hại đối với môi trường và hỗ trợ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để khai mở tiềm năng, ta cần công nghệ và nhiều hơn thế. Cần có sự hiểu biết chung về quản lý chất thải bền vững, được hỗ trợ bởi khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, cơ chế thực thi hiệu quả và quản trị toàn diện. Không một cá nhân đơn lẻ nào có thể làm được điều này một mình.

Các Chính phủ phải đi đầu bằng các chính sách và quy định rõ ràng, doanh nghiệp phải đổi mới và đầu tư vào các giải pháp tuần hoàn, còn người dân phải được trao quyền để tham gia và thúc đẩy sự thay đổi.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken đi thăm cơ sở tập kết rác thải ở nhà máy xi-măng Lam Thạch.

Đại sứ Vương quốc Na Uy, Hilde Solbakken đi thăm cơ sở tập kết rác thải ở nhà máy xi-măng Lam Thạch.

Hợp tác quốc tế rất cần thiết! Rác thải và ô nhiễm đã trở thành những thách thức vượt ra ngoài biên giới mỗi nước, vì thế các giải pháp của chúng ta cũng phải mang tính toàn cầu.

Bằng cách hợp tác với nhau chia sẻ kiến thức, thống nhất các tiêu chuẩn và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta có thể xây dựng được một nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu mang lại lợi ích và sự thịnh vượng cho con người và hành tinh.

Na Uy tự hào là một phần của nỗ lực tập thể này và chúng tôi hoan nghênh các nước khác cùng tham gia với chúng tôi để biến rác thải thành cơ hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

KIM CƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/na-uy-viet-nam-hop-tac-vi-mot-tuong-lai-tuan-hoan-va-ben-vung-post881957.html