Nagorny-Karabakh căng như dây đàn

Cuộc xung đột dai dẳng lâu nay đã lại một lần nữa bùng phát tại khu vực Caucasus, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng. Bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế từ cộng động quốc tế, cuộc giao tranh giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh vẫn tiếp diễn trong vài ngày qua.

Xung đột leo thang

Hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô và đã vướng vào một cuộc xung đột dai dẳng xung quanh lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh trong suốt gần ba thập kỷ. Thủ lĩnh Nagorny-Karabakh Araik Harutyunyan thông tin đã có 17 tay súng ly khai của Armenia bị tiêu diệt và hơn 100 người bị thương trong cuộc xung đột bắt đầu từ sáng 27-9, đồng thời thừa nhận rằng lực lượng của ông đã “để mất các vị trí.” Ngoài ra, hai bên cũng ghi nhận các trường hợp dân thường thiệt mạng, trong đó các thành phần nổi dậy Nagorny-Karabakh cho biết một phụ nữ và một trẻ em người Armenia đã thiệt mạng, trong khi Baku cho biết một gia đình Ajerbaijan gồm 5 người cũng đã bị bắn chết trong các đợt nã pháo của các thành phần nổi dậy Armenia. Azerbaijan tuyên bố đã chiếm được một ngọn núi chiến lược trong khu vực có thể giúp họ kiểm soát các tuyến liên lạc và vận tải giữa Yerevan và vùng đất ly khai này.

Armenia cho biết, các lực lượng Azerbaijan đã tấn công vào các mục tiêu dân, trong đó có Stepanakert, thủ phủ của Nagorny-Karabakh, đồng thời thề sẽ “đáp trả tương xứng.” Về phần mình, Azerbaijan bác bỏ một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia rằng các máy bay trực thăng và xe tăng của Azerbaijan đã bị tiêu diệt, đồng thời cáo buộc các lực lượng Armenia thực hiện các đợt tấn công “có chủ ý và có mục tiêu” dọc tiền tuyến.

Theo wsj.com, cả hai bên đã cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm gây ra tình trạng thù địch bùng nổ hiện nay. Quốc hội Armenia cho rằng Azerbaijan phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vũ trang quy mô lớn “nhắm mục tiêu cả vào các khu định cư hòa bình bằng các loại vũ khí hạng nặng, các vụ tấn công bừa bãi vào người dân thường và cơ sở hạ tầng của thường dân.”

Alexey Malashenko, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Đối thoại của những nền văn minh, nhận định: “Thật khó khăn, và thật nguy hiểm… nhưng thật sự là mỗi năm chúng ta đều phải chứng kiến những điều tương tự thế này”.

Giao tranh diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh. Ảnh tư liệu

Giao tranh diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh. Ảnh tư liệu

Vai trò của các tác nhân trong khu vực

Nga, nước có quan hệ thân thiết với cả Armenia lẫn Azerbaijan và coi các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô này là sân sau của mình, đã lập tức đề xuất làm trung gian hòa giải. Phát biểu với báo giới ngày 28-9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Nga luôn giữ một lập trường cân bằng và chính lập trường này đã mang lại cho Nga một cơ hội để tận dụng sức ảnh hưởng và các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của mình với hai nước”.

Tuy nhiên theo giới phân tích, chính mối quan hệ với hai nước này lại đang đặt Moscow vào một tâm thế dễ bị tổn thương. Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô viết thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế tại Moscow, nhận định: “Bất kỳ bước đi nào của Nga đều có thể bị cả hai bên coi là không thân thiện và điều này đặt ra một tình huống khá khó khăn đối với chính sách ngoại giao của Nga và đó cũng là lý do vì sao Nga đang nỗ lực đưa hai bên vào bàn đàm phán.”

Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã đóng cửa đường biên giới với Armenia từ đầu những năm 1990 để thể hiện tình đoàn kết với Azerbaijan, đã thề sẽ sát cánh cùng Baku. Theo Wall Street Journal, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự sẵn sàng triển khai các lực lượng quân sự một cách nhanh chóng như trong các cuộc can thiệp gần đây tại Syria và Libya.

Sau khi xung đột bùng nổ, Tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashiniya, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trò chuyện với Tổng thống Ajerbaijan Ilham Aliyev. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về các cuộc điện đàm này. Bên cạnh đó, một nhân tố khu vực khác là Iran, vốn đang duy trì quan hệ với cả Yerevan và Baku, cũng đã lên tiếng kêu gọi một lệnh ngừng bắn và khởi động đàm phán.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Theo Al Jazeera, các vụ xung đột trên đã kích hoạt một sự bùng nổ các hoạt động ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng do quan ngại bạo lực có thể trở nên mất kiểm soát. Olesya Vartanyan, chuyên gia tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, nhận định: “Chúng ta chỉ còn cách một bước nữa là rơi vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Một trong những lý do chính gây ra sự leo thang hiện nay là sự thiếu vắng một vai trò trung gian quốc tế chủ động giải quyết vấn đề giữa hai bên.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ “cực kỳ quan ngại” và kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh và quay trở lại đối thoại. Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng hối thúc các bên chấm dứt các hành động quân sự và quay trở lại bàn đàm phán”.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã thảo luận với các thành viên của cái gọi là Nhóm Minsk, nhóm sẽ làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan. Nga, Pháp và Mỹ cũng là những bên đồng sáng lập nhóm này.

Nguồn gốc và hệ quả

Năm 1988, căng thẳng đã leo thang tại vùng lãnh thổ miền núi Nagorny-Karabakh khi đó vẫn thuộc Liên Xô. Người Armenia là nhóm sắc tộc chiếm ưu thế tại khu vực nằm trong vùng biên giới của Ajerbaijan và đòi sáp nhập với Armenia. Yerevan đã chiếm đóng khu vực này trong một cuộc chiến kéo dài 6 năm.

Nagorny-Karabakh đã ly khai khỏi Azerbaijan khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 sau cuộc xung đột khiến 30.000 người thiệt mạng và nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. Bất chấp một lệnh ngừng bắn đạt được vào năm 1994, Azerbaijan và Armenia vẫn thường xuyên cáo buộc nhau tiến hành các vụ tấn công xung quanh Nagorny-Karabakh và dọc đường biên giới phân chia Azerbaijan-Armenia. Hai bên chưa bao giờ ký được một thỏa thuận hòa bình. Azerbaijan lâu nay vẫn đe dọa sẽ chiếm lại khu vực này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nagorny-karabakh-cang-nhu-day-dan-211904.html