Năm 2017- Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu đề ra

Chiều nay (27/12), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2017. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017, ước tăng 6,81% so với năm 2016, cao hơn mức tăng của các năm từ 2011- 2016 với lần lượt là 6,24%; 5,25%; 5,42%; 5,98%; 6,68% và 6,21%.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện

Tăng trưởng GDP năm 2017 đi theo xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46% và quý IV tăng 7,65%. Đánh giá về mức tăng trưởng GDP của năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là mức tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Điều đó khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong mức tăng 6,81% của toàn nên kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm vào nền kinh tế.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07%, cao hơn mức tăng 0,72% của năm 2016, đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, điểm sáng của ngành công nghiệp là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40%, mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăn. Ngành khai khoáng giảm 7,10%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung, đây cũng được đánh giá là mức giảm sâu nhất của ngành khai khoáng từ năm 2011 đến nay, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 ngàn tấn. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung, bao gồm: Bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, đây là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,79 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trí và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98% s với mức tăng 6,70% của năm 2016, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào nền kinh tế.

Đánh giá về tăng trưởng 2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, chất lượng tăng trưởng năm 2017 đã có sự cải thiện đáng kể, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, đóng góp của các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng cải thiện rõ rệt.

Tập trung 7 giải pháp

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2017 đã đạt được những kết quả khá tích cực, song theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm- kinh tế Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, bên cạnh những thách thức đến từ những bất ổn của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, thì còn có những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế Việt Nam như năng suất lao động thấp và có sự chênh lệch lớn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng giao động từ 6,5- 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%- 8%, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cần nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ đầu năm, trong đó, tập trung vào 7 nội dung chính, bao gồm: Một là, Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng,… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, trong đó tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa;...

Ba là, tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí; cải cách thủ tục hành chính về thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại và nợ đọng thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nhất là kinh phí hội nghị, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, sử dụng xe công.

Bốn là, triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Có giải pháp khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới.

Năm là, chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; có phương án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường các biện pháp giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sáu là, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu, phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.

Bảy là, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nam-2017-tang-truong-gdp-dat-681-vuot-muc-tieu-de-ra.html