Năm 2018 - nhọc nhằn 'đối nội' của EU

Theo nhận định của truyền thông quốc tế, 2018 sẽ là một năm đầy gian nan với Liên minh châu Âu (EU), trong đó ba thách thức bao trùm đều là vấn đề nội bộ của khối.

Thách thức đầu tiên của EU phải kể đến trong năm nay là việc thành lập chính phủ liên hiệp tại Đức-quốc gia trụ cột trong EU. Trong một nỗ lực đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 9 năm ngoái, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đang tìm cách thuyết phục Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tham gia Liên đảng bảo thủ. SPD từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Angela Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua. Thế nhưng sau cuộc bầu cử vừa qua, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố trở thành phe đối lập. Nếu như CDU/CSU kỳ vọng đến tháng 3 có thể đạt được thỏa thuận với SPD thì trong bài viết có tiêu đề "Đối mặt với các biến động quốc tế lớn, liệu châu Âu có thể chấn hưng?" tờ Le Figaro lại cho rằng điều đó không có gì là chắc chắn.

 Người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. Ảnh: Reuters.

Người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. Ảnh: Reuters.

Cùng chung nhận định, tờ The Guardian nhận xét, cho dù điều gì xảy ra thì cũng “không có khả năng sẽ có một chính phủ mới tại Đức trước tháng 2 hoặc thậm chí là tháng 3” và “hệ lụy của cuộc bầu cử tại Đức hồi năm ngoái còn lâu mới giải quyết được”. Trên thực tế, ý tưởng về thành lập một đại liên minh cầm quyền tại Đức đang ngày càng không nhận được ủng hộ của dư luận Đức. Kết quả một cuộc thăm dò của kênh truyền hình ARD cho thấy, 52% người dân Đức bày tỏ hoài nghi về việc này và chỉ có 45% ủng hộ. Nếu đàm phán giữa CDU/CSU và SPD thất bại, nước Đức hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Angela Merkel lãnh đạo, hoặc phải tiến hành cuộc bầu cử mới. Cuộc thăm dò của ARD cũng cho thấy, đa số người dân Đức (51%) ủng hộ việc tiến hành cuộc bầu cử mới. Tờ The Guardian cho rằng chừng nào nước Đức chưa lo xong chuyện thành lập chính phủ thì “Berlin chưa thể làm được nhiều cho EU”.

Thách thức thứ hai là “các rạn nứt chính trị” trong khối. Theo tờ Le Figaro, sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, “các rạn nứt” tiếp tục đe dọa EU trong năm 2018 là làn sóng ly khai tại vùng Catalonia của Tây Ban Nha và việc các quốc gia Trung Âu không có tiếng nói chung với EU, đặc biệt là trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn và các nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Trên thực tế, Ủy ban châu Âu (EC) đã nộp đơn kiện Ba Lan, Hungary và CH Séc tại Tòa án châu Âu do 3 nước này không tiếp nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch mà EU phân bổ. Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tỵ nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong khối theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch nhằm giảm gánh nặng cho hai quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển này. Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành vì CH Séc, Hungary và Ba Lan kiên quyết phản đối với lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch này là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này. Theo tờ The Guardian, làm thế nào để xử lý vấn đề một số nước thành viên “cố ý chống đối các giá trị cốt lõi của EU” như vậy sẽ quan trọng hơn cả việc đàm phán Anh rời EU (Brexit).

Thách thức thứ ba đó là mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy. Theo tờ The Guardian, mặc dù các đảng phái theo chủ nghĩa dân túy hoài nghi châu Âu đã không giành được kết quả khả quan như họ mong đợi (trừ Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức-AfD) trong các cuộc bầu cử vừa qua, nhưng mối đe dọa từ chủ nghĩa dân túy vẫn còn hiện hữu với EU. Hiện Đảng Dân chủ Thụy Điển có quan điểm chống nhập cư đang nhận được 14% tỷ lệ ủng hộ và có thể đủ mạnh để ngăn cản các đảng phái trung hữu hoặc trung tả thành lập chính phủ, nếu như các đảng này không giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. “Cuộc khủng hoảng người di cư có thể bùng phát một lần nữa và những người theo chủ nghĩa dân túy chỉ đang chờ đợi thời cơ. Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”, tờ The Guardian nhận định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nam-2018-nhoc-nhan-doi-noi-cua-eu-528595