Năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn trong hoạt động thu hút đầu tư

Nhìn lại năm 2019, lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục có được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư ngày càng có chiều sâu, sự chọn lựa và định hướng rõ ràng. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hoạt động này phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Trưởng Ban quản lí (BQL) Khu Kinh tế tỉnh TRẦN ĐOÀN.

- Thưa ông! Năm 2019 được xem là năm khá thành công đối với hoạt động thu hút đầu tư, tạo động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đề nghị ông cho biết những kết quả cụ thể của hoạt động này?

- Đúng là năm 2019 được xem là một năm khá thành công trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh nói chung, của BQL Khu kinh tế tỉnh nói riêng. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thời gian qua BQL Khu kinh tế tỉnh đã vận dụng linh hoạt quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Nhờ vậy, năm 2019 tình hình xúc tiến, thu hút đầu tư có sự chuyển biến rất tích cực về số lượng và quy mô dự án. Cụ thể: Có 15 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào KCN, KKT, tăng 50% so với năm 2018; với tổng vốn đăng kí đầu tư là 17.304,12 tỉ đồng, tăng 870 % so với năm 2018, bằng 25,28% so với 20 năm trước.

Có 11 dự án khởi công với tổng vốn đầu tư đăng kí 58.815,61 tỉ đồng, chiếm 68,6% trên tổng vốn đăng kí đầu tư, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng vốn đăng kí đầu tư 923,171 tỉ đồng; Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I, với tổng vốn đăng đầu tư 55.093 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim, với tổng vốn đăng kí đầu tư 1.598,6 tỉ đồng; Bến cảng CFG Nam Cửa Việt với tổng vốn đăng kí đầu tư 640 tỉ đồng; Kho xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị, với tổng vốn đăng kí đầu tư 268 tỉ đồng... Có 5 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.907,78 tỉ đồng, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với tổng vốn đầu tư 630 tỉ đồng; Nhà máy điện mặt trời Lig - Quảng Trị với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén sinh khối Tân Kí với tổng vốn đăng kí 92 tỉ đồng… Hiện nay, BQL Khu kinh tế tỉnh đang tập trung hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn dự kiến đăng kí đầu tư 100.298,71 tỉ đồng, trong đó có một số dự án động lực, quy mô lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

- Để từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đã có những đổi mới gì trong việc mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư, thưa ông?

- Thực tế cho thấy rằng, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT đã khó thì công tác kêu gọi xúc tiến thu hút đầu tư lại càng khó khăn hơn và đây là công việc hết sức quan trọng trong công tác quản lí nhà nước của Ban Quản lí, góp phần quyết định sự phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh nói chung, KCN, KKT nói riêng.

Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo ban đã chú trọng tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc nỗ lực tạo sự bứt phá trong công tác xúc tiến đầu tư. Trước hết là xây dựng các tài liệu, tập gấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về KCN, KKT và được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc; quay flycam, xây dựng các đoạn tài liệu ngắn về Quảng Trị, vị trí đất đai quy hoạch các KCN, KKT để giới thiệu, vận động, xúc tiến đầu tư; xây dựng và công khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Làm tốt công tác lập, phê duyệt và quản lí tốt quy hoạch. Tham gia các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư của tỉnh, của Trung ương. Tiếp đón làm việc, hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục đầu tư; khảo sát thực địa, giới thiệu địa điểm (chuẩn bị người, phương tiện xe đưa đón hướng dẫn, giới thiệu), cung cấp thông tin miễn phí về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các tài liệu khác có liên quan đến việc lập dự án. Đồng thời tiếp tục thực hiện rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, cho thuê đất, cấp phép xây dựng… cho các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tại các KCN, KKT. Thường xuyên theo dõi, gọi điện thoại thúc nhắc, bám sát quá trình đầu tư để phát hiện, hỗ trợ, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường,…

 Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế trao quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy cho nhà đầu tư. Ảnh: LT

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế trao quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy cho nhà đầu tư. Ảnh: LT

Định kì 6 tháng và hằng năm, Ban Quản lí tổ chức hội nghị giao ban, đối thoại doanh nghiệp trong KCN, KKT, với tinh thần thân thiện, cởi mở, đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lí cùng các sở, ngành, địa phương có liên quan kịp thời trả lời, giải đáp thỏa đáng các yêu cầu. Sau hội nghị, Ban Quản lí cùng các sở, ngành làm báo cáo tổng hợp kiến nghị UBND tỉnh xem xét hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc vượt quá thẩm quyền. Thực hiện công khai minh bạch các bộ thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, quy trình đầu tư thực hiện dự án... trên trang web và tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” của Ban Quản lí. Duy trì nền nếp trong hoạt động tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đảm bảo quy định và hoàn thành sớm hơn thời gian quy định.

Tăng cường vai trò, quy định trách nhiệm và gắn với công tác thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ bằng việc kí cam kết thực hiện nhiệm vụ giữa lãnh đạo ban với lãnh đạo phòng, bộ phận đơn vị và cá nhân có liên quan đó là: Thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp phải bằng văn bản cụ thể, một lần, kiên quyết không để nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần; khi có phản ánh của nhà đầu tư xảy ra, cá nhân và trưởng phòng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo ban. Quy định cụ thể về tăng cường trách nhiệm mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, đơn vị liên quan để đảm bảo giải quyết nhanh gọn thủ tục cho nhà đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Ban hành bằng văn bản và vận động cán bộ công chức, viên chức thực hiện văn hóa, văn minh lịch sự khi hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp với phương châm: “Doanh nghiệp đến niềm nở đón tiếp. Doanh nghiệp hỏi, hướng dẫn (giải thích) tận tình. Doanh nghiệp về, mong chờ thành đạt…”.

- Đề nghị ông cho biết một số thuận lợi, khó khăn trong hoạt động thu hút đầu tư; mục tiêu về công tác thu hút đầu tư của BQL Khu kinh tế tỉnh trong năm 2020?

- Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh, thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư của BQL Khu kinh tế tỉnh đạt được một số thành quả rất khả quan. Đạt được kết quả đó trước hết là nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan; công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện; công tác lập, phê duyệt và quản lí quy hoạch đã được quan tâm thực hiện; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư…

Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư có những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ đó là: Kết cấu hạ tầng tại các KCN, KKT chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; nguồn vốn huy động để đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng còn chậm, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án. Tỉnh chưa phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên khó thu hút được các dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Việc phân cấp, ủy quyền cho BQL Khu kinh tế thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 27/3/2017 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ phân cấp quản lí nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được thực hiện nghiêm túc; môi trường đầu tư của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, làm cho tính cạnh tranh môi trường đầu tư của tỉnh giảm so với các tỉnh bạn.

Phát huy những kết quả đạt được, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức, năm 2020, BQL Khu kinh tế đề ra một số mục tiêu sau: Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 2; bổ sung Khu công nghiệp VSIP 8 tại tỉnh Quảng Trị của Liên doanh VSIP-Amata-Sumitomo vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, nâng tính chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức; kiến nghị cấp có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền cho BQL Khu kinh tế tỉnh để thực hiện tốt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Bám sát hướng dẫn của các bộ, ngành để sớm có những quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù tạo môi trường, cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Thu hút đầu tư dự án có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch, lợi thế của địa phương. Tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục để khởi công - hoàn thành các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm như: Khởi công các dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, Kho xăng dầu Việt Lào; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quán Ngang giai đoạn 3... Tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Lâm Thanh

(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145163