Năm 2019, phát hiện và tiêu hủy 48 tấn hóa chất dùng để sản xuất nước mắm
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong năm 2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, đã phát hiện và tiêu hủy khoảng 48 tấn hóa chất công nghiệp dùng sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm, ở 4 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các cơ sở nói trên, cơ quan thanh tra phát hiện nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm có dịch bột ngọt (dung dịch có tính axít, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm), dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối) và soda công nghiệp. Các nguyên liệu này được xử lý cùng với xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống)... cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).
Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc... tạo thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau, đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nguyên liệu soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh) được sử dụng để khử axít trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố của Thanh tra Bộ NN&PTNT, dịch bột ngọt có tính axít (pH từ 3-4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.
Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 782 triệu đồng tại 4 công ty. Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, việc các công ty sử dụng bột ngọt, nước dịch tôm, cá và soda công nghiệp, là những hóa chất công nghiệp để sản xuất - chế biến nước mắm là hết sức nghiêm trọng, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.