Năm 2020, bảo hiểm nhân thọ vẫn có khả năng tăng trưởng 2 con số
Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại khiến đà tăng trưởng của khối bảo hiểm nhân thọ bị ảnh hưởng, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, sự chủ động ứng phó với bệnh dịch sẽ giúp ngành này duy trì đà tăng trưởng 2 con số.
Đẩy nhanh quá trình số hóa
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phố nên các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải thay đổi một số hoạt động phát triển kinh doanh trong quý III/2020, nhưng về cơ bản, các chiến lược quan trọng vẫn sẽ triển khai, cho dù kết quả có thể không như kỳ vọng.
Trao đổi về chiến lược kinh doanh trong “tình thế mới”, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc (CEO) Generali Việt Nam cho biết, Công ty sẽ tăng cường các cuộc họp và huấn luyện trực tuyến nhờ tính hiệu quả của hình thức này, đặc biệt trong mùa dịch.
Theo bà Tina Nguyễn, thực tế, việc huấn luyện đại lý và họp trực tuyến đã được Generali triển khai từ nhiều tháng qua và sẽ còn được duy trì trong thời gian tới, cho dù dịch Covid-19 có diễn biến như thế nào.
Mặt khác, Generali Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào công nghệ số hóa trên mọi phương diện, từ dịch vụ khách hàng, giới thiệu sản phẩm trực tuyến… đến hỗ trợ quản lý tư vấn viên và các quy trình vận hành, quản lý khác.
“Quy định giãn cách xã hội hồi đầu năm thưc sự là cơ hội ‘ngàn năm có một’ để đẩy nhanh quá trình số hóa, tiến đến mục tiêu ‘không giấy; (paperless) của Generali Việt Nam vào năm 2021”, bà Tina Nguyễn chia sẻ.
Tại Hanwha Life Việt Nam, hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này đã chủ động xây dựng quy trình hoạt động kinh doanh cho trạng thái “bình thường mới” kể từ khi làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện và quy trình này vẫn phù hợp đối với tình hình hiện nay.
Đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết, tháng 8 sẽ là tháng mở đầu của hành trình mới với nhiều định hướng mới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động.
“Để thích ứng với thực tế, Công ty đã đẩy mạnh khai thác sản phẩm mới “Hanwha Life - Tôi chọn an yên” tích hợp nhiều quyền lợi bảo vệ toàn diện cho khách hàng; nâng cao năng lực tư vấn trực tiếp cho tư vấn viên thông qua các chương trình huấn luyện và hỗ trợ đặc biệt; tiếp tục tăng cường công tác phục vụ khách hàng, mở rộng các kênh thu phí trực tuyến; tập trung và triển khai nhanh các dự án kỹ thuật số…”, vị đại diện này chia sẻ thêm.
Với Manulife Việt Nam, thời gian qua, nhà bảo hiểm này cũng đã xây dựng và hoàn thiện những nền tảng online để hỗ trợ cho công cuộc “chuyển đổi số” toàn diện, từ công tác tuyển dụng, học tập đến dịch vụ tư vấn... và điều này đã phát huy tác dụng khi xảy ra giãn cách xã hội.
Manulife Việt Nam đã liên tục đưa ra những cải tiến số hóa như ePos (giải pháp số hóa tư vấn theo nhu cầu của khách hàng), eClaims (giải pháp số hóa giải quyết quyền lợi bảo hiểm), giúp khách hàng chủ động trong việc trong việc nộp yêu cầu bồi thường trực tuyến, mọi lúc mọi nơi…
Trung tuần tháng 7 vừa qua, Chubb Life Việt Nam đã hoàn tất công cụ nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử eKYC (hay còn gọi là Định danh khách hàng điện tử), cũng là bước tiếp theo trong hành trình số hóa của Công ty.
Thời gian qua, Chubb Life Việt Nam không ngừng đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số để phục vụ khách hàng và hỗ trợ đội ngũ kinh doanh được tốt hơn, qua đó tạo ra một vòng tròn công nghệ khép kín từ khâu khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm, đến lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…
Chủ động “sống chung với lũ”
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (riêng quý II/2020 ước tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%.
Dù tốc độ tăng trưởng của toàn ngành có chậm lại so với cùng kỳ những năm trước, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn may mắn là chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi dịch bệnh khiến người dân ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm, từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường dự kiến giảm về mức 17,24% so với con số dự báo trước đó là 17,8% (năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm là 20,54%).
Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến tiếp tục tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra, còn lĩnh vực phi nhân thọ sẽ giảm nhẹ do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, hàng không, vận tải biển…, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không…
Tất nhiên, đảm bảo thực thị được kế hoạch tăng trưởng đề ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phải rất nỗ lực và nhanh nhạy trong việc triển khai các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến để phục vụ, tiếp cận khách hàng, sử dụng công nghệ trong công tác huấn luyện và quản lý tư vấn viên, nâng cao công tác dự phòng và quản trị rủi ro...
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, tình hình thị trường chắc chắn sẽ khó khăn hơn khi dịch bệnh quay trở lại.
Theo vị này, ngành ngân hàng đang tăng trưởng chậm lại nên kênh bancassurance sẽ khó có thể giữ được tốc độ tăng trưởng phí mới 14% như nửa đầu năm 2020 và tương tự là kênh đại lý - vốn là 2 kênh bán hàng chủ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
“Tuy nhiên, khác với những tháng đầu năm, ở thời điểm này, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã chủ động với tình hình mới nên vẫn có khả năng tăng trưởng dương, thậm chí có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số nếu tình hình dịch bệnh sớm được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn và không lan ra toàn quốc”, vị đại diện trên nhìn nhận.
Được biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm do dịch Covid-19.