Năm 2020: Bội chi có thể lên đến 5,59% GDP
Bội chi ngân sách cả năm 2020 ước bằng 4,99% GDP. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì bội chi sẽ tăng lên khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.
Đây là thông tin được Chính phủ trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính.
Thu ngân sách có thể giảm hơn 189 nghìn tỷ đồng
Theo Chính phủ, trong giai đoạn vừa qua, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được quản lý chặt chẽ, giai đoạn năm 2017 - 2019 giảm cả về số tuyệt đối và tương đối so với dự toán. Bình quân các năm 2016 - 2019 bội chi khoảng 3,5% GDP (mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bội chi là 4% GDP).
Tuy nhiên, đối với năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cả số thu, chi và bội chi NSNN năm 2020. Lũy kế thực hiện 9 tháng năm 2020, tổng thu NSNN đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm 2020, thu cân đối NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách ưu đãi về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Về chi NSNN, mức thực hiện 9 tháng ước đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt gần 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán; chi trả nợ lãi đạt gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến ngày 23/9/2020, NSNN đã chi khoảng 17,49 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện xuất cấp khoảng 16,2 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Nợ công năm 2020 ước khoảng 56,8% GDP
Trong quá trình điều hành, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; hỗ trợ cho người dân chịu tác động lớn bởi dịch bệnh; cơ chế đảm bảo kinh phí và bố trí nguồn ngân sách trung ương (NSTW) để bổ sung cho các bộ, địa phương để phòng chống dịch...
Dự toán bội chi NSNN năm 2020 là 234,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, trong đó bội chi NSTW là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 17 nghìn tỷ đồng.
Đối với NSTW, sau khi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối, thì dự kiến bội chi NSTW tăng khoảng 95 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Đối với NSĐP, các địa phương chủ động sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng. Đồng thời, tiến độ triển khai ODA ở các địa phương còn chậm, nên về tổng thể bội chi NSĐP ước thực hiện năm 2020 khoảng 5 nghìn tỷ đồng, giảm 12 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Tổng hợp chung, bội chi NSNN cả năm 2020 ước khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99% GDP. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của NSTW, thì bội chi NSNN năm 2020 tăng thêm tương ứng. Khi đó, bội chi NSNN năm 2020 khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.
Dự kiến đến ngày 31/12/2020, so với GDP ước thực hiện, dư nợ công bằng khoảng 56,8%, dư nợ chính phủ bằng khoảng 50,8%. Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối NSNN được điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được ban hành như:
- Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch và các vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô;
- Gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020;
- Nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020
- Điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến hết 31/12/2020;
- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.