Năm 2020: Cả nước xảy ra 9.637 vụ vi phạm quy định Luật Lâm nghiệp

Đây là thông tin được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, chiều 6-1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thông tin, khuyến cáo kịp thời cho các địa phương về mùa vụ; hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng những loài cây chủ yếu; ban hành thường xuyên, kịp thời các văn bản chỉ đạo về phát triển rừng.

Công tác quản lý chất lượng giống được các địa phương nghiêm túc thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát giống đạt 85%. Năm 2020, cả nước đã trồng mới được 220.000ha rừng, đạt 100% kế hoạch.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2020, cả nước đã xảy ra 9.637 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 402 vụ (tương đương 4%) so với năm 2019. Đáng chú ý, diện tích rừng bị thiệt hại trong năm qua là 1.469ha, giảm 1.191ha (tương ứng khoảng 45%) so với năm 2019.

Mặc dù vậy, theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Hữu Thiện, trong năm qua, lực lượng kiểm lâm đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao. Mặc dù số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện là 10.931 vụ, chỉ giảm 2% so với năm 2019, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm sâu (41%). Kết quả này cho thấy, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại về rừng.

Tuy nhiên, còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên.

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn diễn ra ở một số nơi. Bên cạnh đó là chuyển đổi sang nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý...

Trong năm 2020, số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, các hoạt động phạm pháp tinh vi và manh động hơn, sẵn sàng gây khó khăn cũng như chống đối quyết liệt lực lượng chức năng. Đặc biệt, vẫn còn một số nơi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã, nhất là ở Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trước sự biến đổi dị thường của thời tiết, từ tháng 4-2020, nền nhiệt ở các tỉnh miền Trung ở mức cao. Thậm chí, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) ghi nhận mức nhiệt độ trên 43 độ C, dẫn đến cháy rừng ở mức cao.

Đặc biệt, cơn bão số 9 đổ bộ vào 6 tỉnh miền Trung cuối tháng 10 vừa qua khiến 149.000ha rừng bị thiệt hại ở cấp độ khác nhau. Tại Quảng Ngãi, có những khu vực bị thiệt hại 40% diện tích rừng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2020, chúng ta đã trồng được 230.000ha rừng tập trung. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi rừng diễn tiến theo xu hướng tích cực. Cùng với việc phát triển rừng sản xuất, tổng sản lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã đạt 21 triệu tấn, đáp ứng 80% nhu cầu chế biến gỗ trong nước.

Năm 2021, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững 100% diện tích rừng hiện có vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT. Trong đó, ngân sách Trung ương ưu tiên chi khoán bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu có nguy cơ xâm hại cao; các huyện biên giới, hải đảo thuộc các địa phương có ngân sách khó khăn không bảo đảm cân đối tại chỗ.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/987990/nam-2020-ca-nuoc-xay-ra-9637-vu-vi-pham-quy-dinh-luat-lam-nghiep