Năm 2020 còn 27 ngày nhưng có 174 văn bản phải trình ban hành
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, tính tổng các văn bản nợ đọng, văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021, chương trình công tác còn lại trong tháng 12 là còn 174 văn bản phải trình ban hành.
Sáng 3/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc họp làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực từ 1/1/2021, tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, hiện nay còn 7 nghị định nợ đọng. Ngoài ra, với các văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021, theo quy định, phải ban hành chậm nhất là ngày 15/11/2020.
Dự kiến trước đây, số văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021 là 49 văn bản. Chỉ đạo của Chính phủ là cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng 1 luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, 1 nghị định chỉ ban hành 1 thông tư hướng dẫn. Đến nay từ 49 văn bản cắt giảm được 17 văn bản. Như vậy, sau khi tích hợp, tổng số văn bản chi tiết có hiệu lực từ 1/1/2021 là 32 văn bản. Đến nay đã trình 2 văn bản, còn 30 văn bản chưa ban hành. Trong 30 văn bản này đã có 7 văn bản đã được gửi đến VPCP.
Đối với chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 2/12 có 38/367 đề án trong chương trình nợ đọng, chiếm 10,3%, trong đó các bộ tham dự buổi làm việc có 25 đề án nợ đọng.
"38 đề án, cộng với văn bản trong chương trình công tác của tháng 12/2020 là 99 văn bản, tổng cộng là 137. Đây là nhiệm vụ rất lớn, không làm nhanh sẽ nợ đọng", Tổ trưởng Tổ công tác nêu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, "Chính phủ khóa XII nợ đọng 59 văn bản chi tiết, Chính phủ khóa XIII nợ 38 văn bản, bây giờ chúng ta không làm nhanh thì Chính phủ khóa XIV sẽ nợ đọng văn bản cao hơn Chính phủ khóa XIII".
Bộ Công an cho biết, tháng 11/2020 chậm 5 văn bản, hiện đã thực hiện 2 văn bản, còn 3 văn bản nợ đọng, trong đó có văn bản liên quan Luật An ninh mạng và Luật Công an xã cần cân nhắc kỹ và đang tiếp tục lấy ý kiến. Về chương trình công tác có 6 đề án nợ đọng. Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Công an riêng văn bản nợ đọng phải hoàn thành, trừ 2 văn bản liên quan Luật An ninh mạng và Luật Công an xã.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết còn 11 đề án cần trình trong tháng 11 và 12 này. Trong 11 văn bản nợ đọng, Bộ cam kết 5 đề án nợ của tháng 11 sẽ trình trước ngày 8/12, còn lại 6 văn bản tiếp tục hoàn thiện, cam kết trình Chính phủ trước 25/12/2020. Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao và thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đến 31/12/2020 sẽ không nợ đọng văn bản, không nợ đọng chương trình công tác.
Đối với Bộ Tài chính, về danh mục văn bản quy định chi biết có hiệu lực từ 1/7/2020, Bộ còn Nghị định về quy định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, hiện đã gửi VPCP để trình Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét trước khi trình Chính phủ. Về văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1/1/2021, hiện có 7 nghị định, trong đó có nhóm nghị định quy định chi tiết về Luật Chứng khoán sửa đổi.
Kết luận tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, tính tổng các văn bản nợ đọng, văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021, chương trình công tác còn lại trong tháng 12 là nợ đọng 174 văn bản phải trình ban hành, trong khi chỉ còn 27 ngày nữa là kết thúc năm 2020.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gộp văn bản trên tinh thần đã nêu trên. Đặc biệt, Tổ công tác đề nghị, tất cả văn bản hướng dẫn chi tiết không được nợ đọng. Những văn bản nào cần lùi, cần rút không đưa vào chương trình công tác năm 2021 phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: "Những gì thực hiện được phải làm bằng được, không để nợ đọng đến Chính phủ khóa mới" và "Bộ, cơ quan nào đã hứa mà không làm được phải chịu trách nhiệm".