Năm 2020, hơn 1.700 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Năm 2020, cả nước có 17.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Có hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020, cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%, đặc biệt có tới hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gần 4.000 HTX thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp.
Hình minh họa.
Đến nay, cả nước đã có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận, với 2.346 sản phẩm và 821 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP.
Về lĩnh vực kinh tế trang trại, cả nước hiện có 34.348 trang trại sản xuất và kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng trang trại tăng nhanh qua các năm, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 – 2019 đạt 6,9%/năm, sản phẩm của trang trại ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong các trang trại chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 97%.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được quan tâm đẩy mạnh, nhờ đó, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lao động nông thôn, số lao động có việc làm sau khi được đào tạo khoảng 2,79 triệu người (đạt trên 98% so với tổng số lao động được đào tạo). Đã có hơn 134.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá giả.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá: “Các địa phương đã lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn với các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 817.000 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, với tổng doanh thu đạt trên 236.000 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.
Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn đạt khoảng 10%. Các địa phương đã rà soát và công nhận được 165 nghề truyền thống và 1.951 làng nghề.
Về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ tính riêng tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo và xã bãi ngang đã bố trí kinh phí gần 766 tỷ đồng. Ngoài ra còn bố trí hơn 797 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135.
Theo báo cáo của 41 tỉnh, giai đoạn 2016 – 2019 đã triển khai hơn 13.500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có trên 1.502 nghìn lượt hộ được hỗ trợ, góp phần giảm nghèo từ 8,7% năm 2016 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020.
Đối với lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, các chỉ tiêu về cơ giới hóa nông nghiệp dự kiến một số khâu năm 2020 đã tăng từ 2 – 8% so với năm 2019. Ở một số địa phương, nhất là các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng máy xạ khóm lúa; phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt bằng thiết bị bay không người lái có hiệu quả cao.
Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 95%; khâu gieo, trồng 45%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đẩy mạnh thành lập mưới và phát triển các HTX; tiếp tục thí điểm đưa cán bộ HTX đi đào tạo và học tập ở nước ngoài.
Trong phát triển trang trại, Cục sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT ban hành tiêu chí trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thúc đẩy có hiệu quả xúc tiến thương mại, hợp chuẩn quốc tế và phát triển du lịch làng nghề…