Năm 2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 66.000 vụ vi phạm
Chiều 21-1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2020, ngoài việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020; Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020; Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020.
Năm 2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý hơn 66.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) hơn 136 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, nhận định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm tới sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Các hình thức gian lận phổ biến là quay vòng hóa đơn chứng từ, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai về giá trên hóa đơn bán hàng hoặc không xuất hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp hoặc khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng (các website); sản xuất và bán các sản phẩm hàng hóa chưa công bố tiêu chuẩn hoặc công bố, ghi trên nhãn hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng thực tế thì hàng hóa chất lượng lại rất thấp... Ngoài ra, còn có tình trạng một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, ông Trần Hữu Linh cho biết, trước tiên, lực lượng QLTT tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tiếp đó, năm 2021 lực lượng QLTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển và các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Đáng chú ý, lực lượng QLTT tiếp tục tập trung triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.