Năm 2020: Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tư pháp địa phương
Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng gia tăng nhưng nguồn lực con người lại giảm đòi hỏi ngành Tư pháp địa phương phải thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để giải bài toán khó nêu trên.
Năm 2019, các cơ quan tư pháp trong toàn ngành tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TWcủa Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 khóa XII và các yêu cầu của Chính phủ, bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã thực hiện cắt giảm 214 biên chế so với năm 2018 (tương đương 2,157%) và giảm tổng số 715 biên chế so với năm 2015 (tương đương 6.73%), đạt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 37 lớp bồi dưỡng cho 4.004 lượt công chức, viên chức nhằm tiếp tục tiêu chuẩn hóa các chức danh, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho các chức danh lãnh đạo, quản lý và công chức hành chính.
Năm 2019, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tuyển sinh và tổ chức nhập học cho tổng số 4.602 sinh viên, học viên. Học viện Tư pháp tuyển sinh và đào tạo 3.766 học viên, vượt 12% so với Kế hoạch; đặc biệt, lần đầu tiên Học viện đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh và khai giảng Lớp đào tạo nghề luật sư chất lượng cao, tổ chức được các lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội cho 3.717 lượt học viên. Các Trường Trung cấp luật đã tổ chức tuyển sinh tổng số 871 học sinh chính quy.
Toàn ngành tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017-2021 và giai đoạn 2021-2026 theo đúng nguyên tắc, yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận; điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện đúng quy định. Các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động tiếp tục được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, ở địa phương, so với năm 2018, đội ngũ làm công tác tư pháp ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều giảm, cụ thể: Cả nước hiện có 5.276 người làm việc tại các Sở Tư pháp, trong đó tổng số công chức, viên chức là 4.305 người (giảm 68 người, tương đương giảm 1,6%); 2.848 người làm việc tại các Phòng Tư pháp (giảm 15 người, tương đương giảm 0,53%), đạt bình quân 4,0 người/một Phòng Tư pháp; 18.091 công chức Tư pháp - Hộ tịch (giảm 136 người, tương đương giảm 0,75%), trong đó có 69% xã, phường, thị trấn bố trí từ 2 cán bộ trở lên.
Đặc biệt, trong khi các cơ quan Trung ương tiếp tục ổn định và phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ pháp chế thì các địa phương lại giảm khá nhiều, cụ thể: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.173 người người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.617 người chuyên trách (tăng 292 người so với năm 2018); các địa phương hiện có 80 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (tiếp tục giải thể 16 Phòng so với năm 2018), có tổng số 2.242 người làm công tác pháp chế (giảm 389 người). Ở khối doanh nghiệp nhà nước, có 1.801 người làm công tác pháp chế (giảm 361 người).
Như vậy, trong bối cảnh khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng tăng, việc sắp xếp, tinh giản biên chế cán bộ tư pháp và việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ làm công tác tư pháp, pháp chế, đặc biệt là cán bộ pháp chế chuyên trách ở địa phương lại giảm. Công chức Tư pháp - Hộ tịch tư pháp cấp xã thường xuyên biến động đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp ở cơ sở.
Do đó, năm 2020, Bộ Tư pháp xác định sẽ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định, hướng dẫn chung. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển các Trường Trung cấp Luật” nhằm tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các cơ quan tư pháp.