Năm 2020: Thiên tai không trừ một ai
Tổ chức từ thiện Christian Aid ngày 28/12 cho biết thiên tai do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan năm 2020 đã gây ra 'những hậu quả thảm họa cho hàng triệu người' trên khắp các quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.
Trong báo cáo "Đánh giá thiệt hại năm 2020: Một năm thiên tai gây thiệt hại lớn", Christian Aid xác định có 15 trận thiên tai kinh hoàng nhất trong năm - từ cháy rừng tới lũ lụt và bão, hay nạn châu chấu - trong đó có 9 trận gây thiệt hại ít nhất 5 tỷ USD, tính theo số liệu thiệt hại được bảo hiểm. Thiệt hại về tài chính có xu hướng cao hơn ở các nước giàu hơn vì họ có nhiều tài sản có giá trị hơn. Với các nước nghèo, dù thiệt hại tài chính ít hơn nhưng mức độ tàn phá của các sự kiện thời tiết cực đoan trong năm 2020 lại nặng nề hơn với số người thiệt mạng nhiều hơn so với các nước giàu.
Tác giả báo cáo Kat Kramer, người phụ trách mảng chính sách khí hậu của Christian Aid, cho biết các khu vực dễ bị tổn thương chịu thiệt hại chồng chất, từ hậu quả thiên tai thảm họa đến tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, theo bà, "tin tốt lành là, giống như vaccine ngừa COVID-19, chúng ta biết cách để chấm dứt khủng hoảng khí hậu. Chúng ta cần để nhiên liệu hóa thạch 'ngủ yên' trong lòng đất, tăng cường đầu tư cho năng lượng sạch và giúp đỡ những người đang bị ảnh hưởng nhiều nhất".
Dưới đây là một số trận thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu trong năm 2020 được đề cập tới trong báo cáo của Christian Aid:
- Mỹ phải gánh chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất từ một mùa mưa bão kỷ lục và một mùa cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy, lên tới hơn 60 tỷ USD. Báo cáo cho biết dù cháy rừng một phần do hệ sinh thái tự nhiên, nhưng một bầu không khí nóng hơn và khô hơn do các hoạt động của con người cũng làm các đám cháy lan rộng hơn.
- Cháy rừng tại Australia bắt đầu từ cuối năm 2019, gia tăng do những đợt hạn hán thường kỳ và nhiệt độ tăng cao, đã phá hủy hàng nghìn tòa nhà, làm biến mất hơn 1 tỷ động vật hoang dã, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và gây thiệt hại ước tính 5 tỷ USD. Nhóm các nhà khoa học World Weather Attribution đã tính toán sự nóng lên của toàn cầu làm tăng ít nhất 30% nguy cơ cháy rừng.
- Bão Amphan là một trong những trận bão mạnh nhất được ghi nhận ở Vịnh Bengal và là trận bão nhiệt đới gây thiệt hại lớn nhất trong năm, hơn 13 tỷ USD tại Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka. Chuyên gia khí hậu Roxy Mathew Koll tại Viện Khí hậu nhiệt đới Ấn Độ cho biết nhiệt độ cao kỷ lục tại Vịnh Bengal (30-33 độ C) có thể khiến bão mạnh lên nhanh hơn.
- 6 trong 10 sự kiện thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn nhất trong năm nay xảy ra tại châu Á, 5 trong số này xảy ra trong mùa mưa hằng năm. Lũ lụt kéo dài nhiều tháng tại Trung Quốc và Ấn Độ gây thiệt hại ước tính lần lượt 32 tỷ USD và 10 tỷ USD.
- Tại Đông Phi, những đàn châu chấu lớn đã phá hoại mùa màng và cây trồng ở một loạt nước, gây thiệt hại 8,5 tỷ USD. Đàn châu chấu hình thành sau một số trận bão lớn bất thường ở Ấn Độ Dương - một phần do nhiệt độ nước biển tăng - gây mưa lớn ở khu vực sa mạc của Oman, tạo điều kiện thuận lợi cho châu chấu sinh trưởng.
- Châu Âu phải hứng chịu những trận gió lốc Ciara và Alex làm 30 người thiệt mạng và gây thiệt hại gần 6 tỷ USD. Những trận "bão ngoại nhiệt đới" này dự báo sẽ phổ biến hơn và gây thiệt hại lớn hơn ở châu Âu do nhiệt độ tăng cao cùng với sự nóng lên toàn cầu.
- Tại Pakistan, mưa lớn trong mùa mưa làm 410 người thiệt mạng. Thiệt hại do lũ lụt và lở đất ước tính lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Mùa mưa năm nay ở châu Á có lượng mưa nhiều bất thường.
- Nam Sudan đã trải qua một trong những trận lụt tồi tệ nhất sau khi mưa lớn khiến sông Nile và nhiều con sông khác tràn bờ. Lụt làm 138 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới hơn một triệu người và phá hoại mùa màng. Khi hành tinh nóng lên, các nhà khoa học dự báo số lượng các đợt mưa lớn như vậy sẽ gia tăng.