Năm 2020, Trung Quốc thống trị 7 trong 10 ngành công nghiệp chiến lược
Tổ chức Công nghệ Thông tin & Đổi mới (ITIF) cho biết, năm 2020 Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong 7/10 ngành công nghiệp chiến lược.
Theo một báo cáo vừa được ITIF công bố ngày 13/12, những nỗ lực và đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp tiên tiến đã được đền đáp khi nước này tiếp tục giành được thị phần trong các lĩnh vực bao gồm máy tính và điện tử, hóa chất, kim loại cơ bản và xe cơ giới.
Tính đến năm 2020, Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, với 7 trong số 10 ngành công nghiệp được đề cập trong báo cáo.
Theo báo cáo "Trung Quốc thành công lớn với các ngành công nghiệp chiến lược", Trung Quốc là nhà sản xuất máy tính và điện tử hàng đầu thế giới; hóa chất; máy móc, thiết bị; xe cơ giới; kim loại cơ bản; kim loại chế tạo; thiết bị điện.
Trong khi đó, Mỹ là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về dược phẩm, công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT, các phương tiện giao thông khác.
Phần còn lại của thế giới (rest of world) vượt trội hơn Trung Quốc chỉ trong lĩnh vực dược phẩm và CNTT, dịch vụ CNTT. Tuy nhiên, điều này có thể không bền vì chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu dược phẩm sinh học và trí tuệ nhân tạo là những ngành công nghiệp chủ chốt để phát triển.
"Trung Quốc hiện đang thống trị các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trong Chỉ số Hamilton của ITIF, sản xuất nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác về mặt tuyệt đối và hơn tất cả trừ một vài quốc gia khác về mặt tương đối", ITIF nhận xét.
Chỉ số Hamilton của ITIF xếp hạng 40 quốc gia về hiệu suất tương đối (LQ) của họ trong 10 ngành công nghiệp tiên tiến và quan trọng chiến lược, chiếm hơn 10 nghìn tỷ USD sản xuất toàn cầu vào năm 2020.
Theo tổ chức, 10 ngành công nghiệp này chiếm 11,8% nền kinh tế toàn cầu vào năm 2020, so với 11,9% vào năm 1995.
Năm 2020, Trung Quốc sản xuất nhiều hơn 47% so với mức trung bình toàn cầu dựa trên quy mô nền kinh tế trong 10 ngành công nghiệp, còn Mỹ sản xuất ít hơn 13% so với mức trung bình, báo cáo nêu.
Để theo kịp thị phần công nghiệp tiên tiến của nền kinh tế Trung Quốc, sản lượng của Mỹ sẽ phải tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương 69%. Điều này đòi hỏi phải tăng gấp đôi sản lượng từ tất cả 10 ngành công nghiệp ngoại trừ dịch vụ CNTT và công nghệ thông tin.
"Sự tăng trưởng thị phần nhanh chóng của Trung Quốc trong 10 ngành công nghiệp trong Chỉ số Hamilton phản ánh sự sụt giảm nhanh chóng của Mỹ, G7 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với tư cách là các khối", ITIF cho biết.
Nhóm cố vấn có trụ sở tại Mỹ vận động Washington đưa ra một chiến lược công nghiệp quốc gia để đảm bảo cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
"Nhưng bất chấp việc thông qua Đạo luật Chips, ý chí chính trị ở Mỹ để thực hiện và tài trợ đầy đủ cho một chương trình nghị sự như vậy dường như tương đối thấp, đặc biệt là khi không đảng chính trị nào muốn giải quyết thâm hụt ngân sách khổng lồ để giải phóng nguồn tài trợ cần thiết cho một chiến lược như vậy", báo cáo của ITIF tiếp tục.
Vào tháng 7/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chip (CHIPS Act), tài trợ 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phát triển lực lượng lao động bán dẫn trong nước.
Khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào xe điện cũng đang được đền đáp và được xếp hạng là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất xe cơ giới toàn cầu, với thị phần 24,3% vào năm 2020, cao hơn 14% ở Mỹ, 12,6% ở Đức và 10% của Nhật Bản.
Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong danh mục "vận tải khác", đặc biệt là do sự thống trị trong sản xuất hàng không vũ trụ, với 34,5% sản lượng vào năm 2020.
Trong bảng Chỉ số Hamilton tổng hợp 2020, Việt Nam có điểm hiệu suất tương đối (LQ) là 0,83. Từ năm 1995 đến năm 2020, LQ của Việt Nam tăng 0,11 điểm phần trăm, nằm trong nhóm các quốc gia cải thiện.
Ngoài ra, ITIF cũng đánh giá Việt Nam là “nhà lãnh đạo tương đối” trong ngành công nghiệp thiết bị điện với LQ 2,36. Quốc gia đứng đầu ngành này là Trung Quốc với thị phần 36,1%.
Báo cáo của ITIF dành một phần riêng để nói về các các nước sản xuất đáng chú ý, trong đó có Việt Nam. Xét về sức mạnh ngành công nghiệp, Việt Nam xếp trên trung bình trong hai lĩnh vực, đó là thiết bị điện (LQ 2,36) và máy tính và điện tử (LQ 1,69).
Hai ngành tương đối mạnh và tăng trưởng từ năm 2008 là máy tính và điện tử, thiết bị điện. Một ngành khác đang phát triển là xe cơ giới.
(Theo SCMP)