Phát hiện thú vị được chia sẻ bởi công ty an ninh mạng Pen Test Partners tại hội nghị bảo mật DEF CON, được tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Pen Test Partners đã chia sẻ video hiếm hoi trong phòng điều khiển máy bay Boeing 747-400 của British Airways sau khi hãng hàng không này cho ngừng toàn bộ đội bay từ tháng 7 do dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Aerospace Village/YouTube.
Theo Gizmodo, video dài 10 phút cho thấy những hình ảnh hiếm có trong buồng lái và các bảng điều khiển, đặc biệt là sự xuất hiện của ổ đĩa mềm 3,5 inch. Nó được sử dụng để cập nhật cơ sở dữ liệu điều hướng cho máy bay, được thực hiện mỗi 28 ngày. Các kỹ sư phải vào từng máy bay, cập nhật dữ liệu bằng ổ đĩa mềm này để nó tiếp tục hoạt động. Không chỉ dòng 747 mà theo The Verge, phần lớn máy bay Boeing dòng 737 cũng cần đĩa mềm để cập nhật dữ liệu. Ảnh: Aerospace Village/YouTube.
Báo cáo của Aviation Today năm 2014 từng tiết lộ đĩa mềm là thứ quan trọng chứa tất cả dữ liệu hàng không mà một chiếc máy bay cần như sân bay, đường băng, đường bay hoặc điểm trung gian (waypoint). Theo thời gian, dữ liệu cần cập nhật sẽ lớn hơn. Một số hệ thống chỉ yều cầu một đĩa mềm để cập nhật dữ liệu, trong khi vài máy bay có thể yêu cầu đến 8 đĩa mềm. Ảnh: Digital Trends.
Cũng không thể trách các hãng hàng không bởi Boeing 747-400 là dòng máy bay cũ, chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện cách đây 32 năm, thời điểm đĩa mềm còn thông dụng. Ảnh: Getty Images.
Không chỉ trong ngành hàng không, đĩa mềm ngày nay vẫn được sử dụng trên một số hệ thống thương mại hoặc ngành công nghiệp lâu đời rất khó thay thế, hoặc có thể nâng cấp nhưng không mang đến nhiều giá trị. Ảnh: Courtesy of Strudelsoft.
Quân đội Mỹ là một trong những ví dụ điển hình. Phải đến tháng 10/2019, lực lượng này mới ngừng sử dụng đĩa mềm 8 inch để vận hành hệ thống vũ khí hạt nhân. Thậm chí hồi 2018, doanh số đĩa mềm đã tăng khi các hãng nhạc indie phát hành album mới bằng đĩa mềm. Ảnh: Seeker/YouTube.
Trở lại lĩnh vực hàng không, phần mềm tiên tiến cũng không hoàn toàn có lợi. Máy bay Boeing 737 Max sử dụng hệ thống phần mềm tiên tiến hơn, tuy nhiên lỗi phần mềm nghiêm trọng dẫn đến 2 vụ máy bay rơi làm 346 người thiệt mạng. Sự việc khiến Boeing phải tạm ngừng sản xuất dòng máy bay để sửa lỗi. Ảnh: Boeing.
Trong khi đó, dù Boeing 747-400 không còn được sản xuất, chỉ có 2 sự cố khiến hành khách thiệt mạng trên tổng số 8,42 triệu chuyến bay mà 747-400 thực hiện, theo Airsafe.com. Ảnh: Aerospace Village/YouTube.
Bên cạnh phát hiện thú vị về ổ đĩa mềm, hệ thống bảo mật trong máy bay cũng là chủ đề được các chuyên gia thảo luận tại hội nghị bảo mật lớn nhất của Mỹ. Năm ngoái, một giáo sư an ninh mạng đã sử dụng chuột USB để nhập đoạn văn bản dài vào ứng dụng chat trên máy bay khiến toàn bộ hệ thống giải trí tại chỗ ngồi của ông dừng hoạt động. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm lỗ hổng có thể khiến tin tặc xâm nhập vào hệ thống từ các thành phần truy cập công khai trên máy bay. Ảnh: Hector M.
Kết cục buồn của máy bay 'nối liền' Mỹ và châu Âu Concorde là máy bay siêu thanh thương mại thành công nhất từng hoạt động bên cạnh Tupolev Tu-144. Nhưng đều có kết cục buồn và không có mẫu thứ 3 nào được chế tạo thêm.
Phúc Thịnh