Năm 2020, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 0,5 triệu tấn phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang 35 quốc gia. Năm 2018, đã có 24 doanh nghiệp xuất khẩu với 86.000 tấn, tăng 7 lần so với 2015 và tăng 13,5% so với năm 2017.

Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ". Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ". Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất, tiêu thụ trong nước 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn phân bón hữu cơ. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nông sản, phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hóa học thời gian qua. Từ đó, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ và bền vững.
Đó là những mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, một trong những tín hiệu cho thấy mục tiêu trên là khả thi là năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn phân bón hữu cơ.
Phân bón hữu cơ Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang 35 quốc gia. Khối lượng xuất khẩu cũng như doanh nghiệp tham gia xuất khẩu liên tục tăng mạnh. Năm 2018, đã có 24 doanh nghiệp xuất khẩu với 86.000 tấn, tăng 7 lần so với 2015 và tăng 13,5% so với năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ, "Việt Nam có tiềm năng về nguồn nguyên liệu lớn. Hướng xuất khẩu phân bón hữu cơ là một trong những mục tiêu mà chúng ta cần nhắm vào”.
Về nguồn nguyên liệu, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp hằng năm thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân gia súc, gia cầm; 4,6 triệu tấn trấu; hơn 2,3 triệu tấn cám… Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều mỏ than bùn với khoảng 36.000 tấn. Đây chính là tiềm năng phế liệu và nguyên liệu làm phân hữu cơ to lớn nhưng chưa tận dụng hết được. Nếu giải quyết tốt nguồn phế thải trên sẽ góp phần rất lớn làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu, xuất khẩu nông sản sang 185 thị trường; trong đó có thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản Hàn QUốc… có yêu cầu chặt chẽ về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm (Codex).
“Do đó, Việt Nam phải chuyển đổi sang một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm một xu hướng tất yếu.”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành phải chuyển nhanh, tích cực, đồng bộ sang nền nông nghiệp sạch, định hướng rõ hữu cơ vì trồng trọt chiếm trên 50% tỷ trọng xuất khẩu. Trong trồng trọt, phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng nhằm khôi phục hệ sinh thái đất, tự nhiên, tạo ra chất lượng sản phẩm chất lượng cao nhất. Sản xuất hướng hữu cơ, hướng sạch bắt đầu từ một thành tố quan trọng đó là phân bón.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ ra, không có phân bón hữu cơ đi trước thì không thể có một nền nông nghiệp hữu cơ hàng hóa.
Với sự nỗ lực cao từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người dân, Việt Nam đã và đang tạo nên một nền tảng sản xuất hữu cơ. Điều này được thấy rõ qua, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với năm 2017.
Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ; trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ. Nhờ đó, sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như: chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong biển, tảo biển...).
Do vậy, công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đạt 1,19 triệu tấn, cao hơn 0,12 tấn so với tổng sản lượng sản xuất cả năm 2017. Mặc dù vậy, số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ vẫn còn khiêm tốn, chiếm 11,6 % so với phân bón vô cơ.
Tuy nhiên, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Hiện các nhà máy mới sản xuất đạt khoảng 2 triệu tấn so với 3,5 triệu tấn công suất tổng công suất. So với nhu cầu của 15 triệu ha cây trồng thì sản lượng này vẫn còn rất thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt. Bên cạnh đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu; cơ chế chính sách chưa đủ rõ để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Việc xây dựng mô hình chưa trở thành đại trà.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, để kiểm soát chất lượng phân bón hữu cơ từ tháng 3/2018 đến nay đã có thêm 7 tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (TCVN) được ban hành, nâng tổng số TCVN lên 31 TCVN.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã xây dựng và hoàn tất thủ tục để trình ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng phân bón (QCVN 01-199:2018). Dự kiến cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình ban hành quy chuẩn này./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nam-2020-viet-nam-du-kien-xuat-khau-0-5-trieu-tan-phan-bon-huu-co/132321.html