Năm 2021 cần rà soát lại các chính sách, đề án đã triển khai
Tại hội nghị cho ý kiến và thông qua 3 nội dung do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp mới đây với sự tham gia của các tỉnh ủy viên, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã phát biểu như trên. 3 nội dung của hội nghị gồm góp ý báo cáo tổng kết công tác nội chính năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; thông qua 2 nội dung về chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025 và quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách, đề án…theo đúng quy trình rất chặt chẽ, phù hợp nhưng khi triển khai trên thực tế đã xuất hiện những sơ hở và người thi hành công vụ dựa vào đó để trục lợi mà chính quyền không thể kiểm soát được. Thông qua những vụ việc mà HĐND tỉnh giám sát đã thấy rõ điều đó, như vụ việc vi phạm đất đai và đền bù đường Lê Duẩn tại TP.Phan Thiết. Thực tế cho thấy trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư có những vấn đề cần quan tâm, đặc biệt chính sách tái định cư của các hộ ghép, gây ra bất hợp lý, bất bình trong dân…
Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị rà soát lại tất cả các đề án liên quan đến công tác quốc phòng quân sự địa phương, an ninh trật tự…Theo đó, nên có kế hoạch cụ thể để kiểm tra việc thực hiện, vận hành đề án như thế nào. Ví dụ, đầu tư camera lúc đầu chất lượng rất tốt nhưng sau đó lại kém mà không kiểm tra, thay đổi. Đến khi xảy ra sự việc mới phát hiện hình ảnh trích xuất camera bị mờ, bị kém hoặc không có thì cũng góp phần ảnh hưởng kết quả.
Từ đây, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2021, chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại các quy trình, thủ tục của các chính sách, đề án đảm bảo đồng bộ chặt chẽ, liên thông với nhau, đặc biệt trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, các dự án đầu tư xây dựng, quản lý rừng… Điều này góp phần nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, mà chủ yếu là để phòng tham nhũng. Vì khi có quy trình chặt chẽ, cán bộ muốn vi phạm cũng khó vi phạm. Mà nếu có vi phạm thì chính quyền cũng phát hiện được ngay.
Bích Nghị. Ảnh: Ngọc Lân