Năm 2021 đáng nhớ của 4 bạn trẻ tài năng

Shotika tích cực tham gia tình nguyện, Thiệu Bảo đóng góp cho quỹ vaccine Covid-19, Kiều Khanh thực hiện dự án giáo dục, Thủy Tiên góp mặt trong các hoạt động vì cộng đồng.

Năm 2021 nhiều biến động, đau thương và mất mát sắp qua đi. Nhìn lại quãng thời gian đó, 4 bạn trẻ chia sẻ với Zing những mục tiêu, thành tựu họ đạt được, điều còn tiếc nuối và hy vọng cho năm mới.

Đặng Trần Thủy Tiên (21 tuổi) - Sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội

2021 là một năm đầy biến động đối với nhiều người bởi thiên tai, dịch bệnh. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ khi chịu ảnh hưởng của Covid-19 từ việc giãn cách xã hội, phải học online đến các công việc bị gián đoạn. Tôi cũng đón nhận tin tức rất buồn về sự ra đi của những người bạn khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây lại là những nốt thăng trong một năm với nhiều nốt trầm, khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm và cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.

Tôi tiếp tục tham gia các hoạt động như Trung thu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho các bệnh nhi, làm MC hỗ trợ các bạn nhỏ trong buổi đối thoại tại Phủ Chủ tịch hay tham gia hỗ trợ trong triển lãm tranh của các em nhỏ yếu thế tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

Được tham gia những hoạt động đó là niềm vinh dự, may mắn và tự hào rất lớn, giúp tôi tích lũy thêm nhiều kỹ năng mới. Tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi được làm điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Với hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư, Thủy Tiên truyền cảm hứng tích cực và tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Với hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư, Thủy Tiên truyền cảm hứng tích cực và tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Tôi luôn nhận được sự chỉ bảo, hỗ trợ từ mọi người xung quanh và bố mẹ nên đọng lại sau năm vừa qua chính là tình yêu thương. Đây cũng là điều tôi ghi nhớ và mang theo suốt những năm tháng sau này.

Trong năm qua, giãn cách xã hội khiến việc tái khám của tôi nhiều lần bị trì hoãn. Tuy nhiên, tôi không mấy phiền lòng vì nghĩ nhiều người còn chịu nhiều bất tiện hơn. Ở nhà, tôi tự theo dõi và rèn luyện sức khỏe. May mắn là mọi thứ vẫn ổn.

Thời gian qua, có những việc tôi làm chưa tốt, có những lúc cũng buồn nhưng chưa bao giờ tôi ngừng nỗ lực để bản thân trở nên hoàn thiện hơn. Khi nhìn lại, tôi không hối hận bởi những gì đã qua đều làm nên bản thân của hiện tại: trưởng thành và chín chắn hơn.

Năm tới, tôi mong được sống biết yêu thương mọi người và hy vọng tất cả được khỏe mạnh, bình an. Tôi cũng sẽ tập trung học tập để muộn nhất là đến cuối năm có thể tốt nghiệp đại học.

Và chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với những công việc thiện nguyện như hiện tại.

Phạm Thiệu Bảo (17 tuổi) - Du học sinh Mỹ

Dịch Covid-19 là điều đầu tiên tôi nghĩ tới trong năm qua. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, những con đường không một bóng người trên khắp Việt Nam. Đặc biệt, tôi vẫn nhớ hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ca khúc Quê hương trước hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 ở TP.HCM.

Trong năm qua, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp Việt Nam sớm vượt qua đại dịch, tôi triển khai những buổi đấu giá tranh gây quỹ vaccine Covid-19 và mua thiết bị y tế cho bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Qua đó, tôi cũng hy vọng lan tỏa vẻ đẹp của hội họa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, tôi được bầu vào ban lãnh đạo của trường THPT đang theo học ở Mỹ (Kent School) với gần 200 phiếu ủng hộ. Tôi rất tự hào khi là một trong số học sinh quốc tế trong ban lãnh đạo và muốn được đại diện cho đất nước ở vị trí này.

Cách đây ít hôm, tôi được nhận vào ĐH Columbia ở Mỹ.

 Năm 2020, Thiệu Bảo (trái) từng quyên góp 55 triệu đồng cho công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam nhờ đấu giá tranh. Năm nay, cậu tiếp tục đóng góp cho quỹ vaccine Covid-19 với cách thức tương tự.

Năm 2020, Thiệu Bảo (trái) từng quyên góp 55 triệu đồng cho công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam nhờ đấu giá tranh. Năm nay, cậu tiếp tục đóng góp cho quỹ vaccine Covid-19 với cách thức tương tự.

Năm qua, do dịch Covid-19, tôi gặp khó khăn khi trở về thăm gia đình ở Việt Nam. Chuyến bay quốc tế rất ít và thời gian cách ly kéo dài nên việc đi lại không tiện như trước. Tôi còn bị gián đoạn nghiên cứu về quan hệ quốc tế giữa Việt Nam - Mỹ cũng như luật pháp quốc tế vì chưa có cơ hội đi phỏng vấn.

Bù lại, tôi đã sử dụng thời gian rất hiệu quả và đạt được các mục tiêu bản thân đề ra. Tôi không có điều gì hối tiếc.

Trong năm tới, tôi mong rằng Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch và đạt được miễn dịch cộng đồng. Tôi hy vọng mọi người, nhất là thế hệ trẻ, có niềm tin vào tương lai đất nước.

Kiều Khanh (24 tuổi) - Giáo viên mầm non ở Australia

Nhìn lại một năm qua, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là: Biết ơn.

Tôi quen với việc chạy đua và luôn nghĩ rằng bản thân phải cố gắng để trở nên tốt hơn theo hệ quy chiếu hay quy chuẩn nào đó của xã hội. Thực tế, điều đó chưa chắc đã tốt.

Tôi mất nhiều năm để học được điều này. 2021 là lúc tôi bắt đầu thực hành và tập sống biết ơn vì mọi thứ.

Năm qua, tôi và đồng nghiệp bắt đầu thực hiện Teachers GARA - GARA chia sẻ của giáo viên. Đây là dự án nhỏ mà chúng tôi muốn truyền tải những gì được học, trải nghiệm từ thời đi học và dạy mầm non tại Australia đến cộng đồng giáo viên mầm non, cha mẹ, trẻ em Việt Nam.

Thông qua đó, chúng tôi mong muốn sự cố gắng trong nuôi dạy trẻ của giáo viên và cha mẹ được cộng đồng nhìn nhận, trân trọng hơn. Đồng thời, đó cũng trở thành kênh về giáo dục mầm non đáng tin tưởng để đồng hành cùng sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt.

Mặc dù dự án còn mới, chúng tôi may mắn nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và giáo viên. Tôi tự hào vì có thể mang lại giá trị cho cộng đồng.

 Kiều Khanh tận dụng khoảng thời gian kẹt lại Việt Nam để thực hiện dự án giáo dục vì cộng đồng.

Kiều Khanh tận dụng khoảng thời gian kẹt lại Việt Nam để thực hiện dự án giáo dục vì cộng đồng.

Trước đây, tôi vừa dạy vừa học ở Australia. Năm 2021, tôi buộc phải xin bảo lưu việc học vì dịch bệnh và hạn chế bay. Tôi mong tình hình dịch bệnh ổn hơn để có thể sớm sang hoàn tất năm cuối.

Khi về Việt Nam và bị kẹt lại thời gian quá lâu, tôi dự định xin đi dạy ở các trường mầm non để được trải nghiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tổ chức những buổi workshop cho cha mẹ, giáo viên và cả các bé. Nhưng do dịch bệnh căng thẳng, nguyện vọng của tôi vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy vậy, tôi không thấy có điều gì hối tiếc. Vì mỗi quyết định tôi đưa ra đều dựa vào những suy nghĩ và trải nghiệm tôi cho là đúng và tốt nhất ở thời điểm đó. Dù kết quả chưa như mong muốn, tôi cũng đã có những trải nghiệm và bài học quý giá để lần sau làm tốt hơn.

Vừa rồi, nghe thông báo bắt đầu cho phép các trường mầm non được hoạt động trở lại, tôi rất vui. Bởi nếu dịch được kiểm soát, kế hoạch tổ chức gây quỹ hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị nghỉ việc do Covid-19 bằng các workshop miễn phí về giáo dục mầm non của chúng tôi có lẽ sẽ thực hiện được.

Võ Kim Shotika (19 tuổi) - Người mẫu, biên đạo múa

Năm qua, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gia đình. Giữa rất nhiều sự mất mát vì Covid-19, tôi là một trong số người may mắn khi vẫn được kề cạnh người thân.

Tôi biết trân trọng thời gian của bản thân, yêu thương cũng như tập chia sẻ để hiểu mọi người hơn. Bởi khi đi qua trận chiến, nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống, nhìn lại những người quanh mình thật sự rất đáng trân trọng.

Trong năm qua, thành tựu lớn nhất của tôi là giúp đỡ được nhiều người, chia sẻ và gửi đến họ tình thương cũng như động lực để vượt qua đợt dịch nặng nề. Đó là giúp các cụ vô gia cư được tiêm vaccine, mang bữa cơm thiện nguyện đến những mảnh đời cơ nhỡ, hỗ trợ nhiều gia đình F0 khỏi bệnh và giúp nhiều trẻ em không có gia đình tìm được nơi nương tựa.

Trước Covid-19, công việc của tôi là dạy trẻ em múa. Dịch bùng lên, tôi không thể mở lớp và lan tỏa điều tích cực, kinh nghiệm sống tới các em. Tôi mong rằng thời gian tới tình hình ổn hơn để trở lại với dự định phát triển lớp học múa.

 Cô gái mang 2 dòng máu Việt - Thái được tuyên dương vì những đóng góp tích cực trong hoạt động chống dịch ở TP.HCM.

Cô gái mang 2 dòng máu Việt - Thái được tuyên dương vì những đóng góp tích cực trong hoạt động chống dịch ở TP.HCM.

Năm qua, điều tôi hối tiếc nhất là không nhận ra những người luôn kề cạnh đã giúp đỡ, yêu thương mình thế nào. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian để nói lời xin lỗi, cũng như cảm ơn họ. Đến khi dịch xảy ra, một số người rời xa mãi mãi, tôi không còn thời gian, khả năng nói với họ những lời chân thành.

Bài học quý giá nhất tôi học được trong dịch chính là sức mạnh của lòng tin và tình cảm. Những người con xa lạ, tứ xứ không biết rõ mặt nhau nhưng đều cùng đất mẹ, hoài bão là chiến đấu mà cố gắng. Vậy nên, cứ sống chân tình sẽ nhận lại những thứ thâm tình.

Cuộc sống sẽ không cho chúng ta quá nhiều cơ hội và không thể quay lại thời gian. Bởi vậy, khi còn có thể, hãy cố gắng làm mọi thứ mình muốn, đừng than vãn, trách móc bản thân hay nghĩ về những điều tiêu cực. Hãy yêu thương, trân trọng những gì đang nắm giữ và cố gắng cho những gì sắp xảy ra.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-2021-dang-nho-cua-4-ban-tre-tai-nang-post1283817.html