Năm 2021, đưa Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông vào hoạt động
Tỉnh Đắk Nông đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông và nỗ lực để đưa dự án vào hoạt động trong năm 2021.
Tại cuộc họp Tổng kết 10 năm thực hiện Thông báo số 245 về Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hai dự án bô-xít đang triển khai đã có những đóng góp cho nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của Tây Nguyên.
Theo đó, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, 2 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bô-xít thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm, là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010. Được triển khai ở thời điểm có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bô-xít ở Tây Nguyên và giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp, nhưng từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Nhờ sử dụng công nghệ hiện đại của thế giới, nên độ tinh khiết của alumin đạt cao hơn thiết kế, tiêu hao năng lượng ngày càng ít hơn. Cả hai nhà máy này đều thực hiện đúng pháp luật về ngân sách, thuế và phí, đồng thời đã cơ bản trả xong vốn vay và lãi vay ngân hàng. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẳng định, nếu giá alumin thế giới có xuống thấp từ 12-17% thì cả hai dự án vẫn có hiệu quả kinh tế.
Thực tế, hiện nay, alumin là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo Sở Công Thương Đắk Nông, quý I/2020, sản xuất sản phẩm alumin trên địa bàn tỉnh ước đạt 164,96 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Do đó, tỉnh Đắk Nông luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện cho các dự án hoạt động.
Ngoài dự án khai thác và chế biến bô-xít Nhân Cơ, để khai thác tiềm năng bô-xít trên địa bàn tỉnh, Dự án Nhà máy điện phân Nhôm Đăk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân (công suất thiết kế 450.000 tấn/năm, giai đoạn 1: 150.000 tấn/năm) đã được tỉnh Đắk Nông khởi công xây dựng vào tháng 2/2015. Dự kiến, đầu năm 2018 dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động với công suất giai đoạn 1 là 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay dự án chậm tiến độ hơn 2 năm, dự kiến đến đầu năm 2021, nhà máy mới đi vào vận hành giai đoạn 1 với công suất 150.000 tấn/năm.
Nhà máy gồm có 6 hạng mục chính đó là: Khu văn phòng - Nhà ở, xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng điện phân nhôm, trạm biến áp 220 kV, xưởng gắn cực dương và xưởng đúc. Tính đến hết quý I/2020, dự án đã thi công xây dựng xong các hạng mục như: Văn phòng điều hành, nhà ở và nhà ăn của chuyên gia, nhà ở cán bộ, nhà ở và nhà ăn của công nhân; xưởng gia công thiết bị bể điện phân, xưởng làm sạch, nhà kho thiết bị và đang thi công một số hạng mục khác như: kho chứa hóa chất, xưởng gắn cực dương, xưởng điện phân…
Tỉnh Đắk Nông rất kỳ vọng vào dự án này, hiện nay đã chuẩn bị 01 khu công nghiệp phụ trợ diện tích 400ha (khu công nghiệp Nhân Cơ 2) để phát triển các sản phẩm từ nhôm. Thời gian qua, Sở Công Thương, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị nhiều giải pháp để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Cũng theo Sở Công Thương Đắk Nông, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ trực tiếp và tham mưu Chính phủ tháo gỡ được một số khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư. Do đó, Sở Công Thương Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có ý kiến chỉ đạo để chủ đầu tư an tâm và cùng phối hợp tốt với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua để tiếp tục thực hiện việc đầu tư xây dựng và sớm đưa dự án đi vào vận hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm bổ sung khu công nghiệp này vào quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp Việt Nam và tham mưu Chính phủ xem xét và có cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm sau nhôm để sớm đưa Đắk Nông trở thành Trung tâm luyện kim màu lớn của cả nước.