Năm 2021, ngành nông nghiệp đạt được kết quả ấn tượng
Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của năm 2021 một cách ngoạn mục.
Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tới nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Những kết quả ấn tượng năm 2021
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2021, toàn ngành nông nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, những kết quả đạt được rất ấn tượng.
Theo đó, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng hơn 3,18%, lâm nghiệp tăng hơn 3,85%, thủy sản tăng hơn 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.
"Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên lập kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD, ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra, cả về sản lượng và giá trị", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Trên thực tế, năm 2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản...
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2021, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Vẫn chưa đáp ứng được các thị trường khó tính
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, đạt kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành nông nghiệp đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công thương, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Theo lãnh đạo ngành công thương, để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Diên cũng gợi ý, ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.
Nhằm hướng tới việc “khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan; đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề quản lý đất đai. Ngoài ra, ông kiến nghị Thủ tướng trao thêm quyền điều phối cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những vấn đề liên quan sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm ngành nông nghiệp
Cũng tại hội nghị, chia sẻ niềm vui với ngành nông nghiệp về những kết quả ấn tượng trong năm qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mặc dù dịch Covid-19 diễn ra liên tục cả năm, ngành nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng trung bình gần 3%, cao hơn GDP cả nước. Điều rất vui là phần phát biểu của các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông khẳng định, năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành nông nghiệp. Cụ thể, trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp, như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Nền tảng được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, đến từng tỉnh, từng xã.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp, với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan là Trưởng Ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục.
Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022.
“Chuyển đổi số góp phần thành lập giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp là thành lập tổ công nghệ cộng đồng đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt”, ông Hùng nói.
Cần quyết tâm đặt ra mục tiêu xuất khẩu hơn 50 tỷ USD năm 2022
Đồng ý với những báo cáo, đánh giá của các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ cả các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ…
“Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.
Theo Thủ tướng, năm 2022 được dự báo vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Năm 2022 được cho là có nhiều khó khăn hơn năm 2021, do đó, ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
“Muốn thực hiện được như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra xuất khẩu năm 2022 hơn 50 tỷ USD. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp bám sát tình tình thực thế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào một, hai thị trường nhất định.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, ngành nông nghiệp cần có lộ trình giải quyết những vấn đề này.
“Một mặt, sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch; một mặt, cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, Thủ tướng nhận định.
Về vấn đề phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.
Thủ tướng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải metan theo cam kết của COP26; trong đó tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng. Ngành nông nghiệp cần phát triển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế; đầu tư công nghệ, thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp.