Năm 2021, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí

Năm 2021, điểm nổi bật trong bức tranh trật tự, an toàn giao thông ở Việt Nam là tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương.

Một tuyến đường trung tâm ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt) trong cuối buổi chiều 1/1/2022. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN

Một tuyến đường trung tâm ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt) trong cuối buổi chiều 1/1/2022. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN

Tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ so với năm 2020

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các lực lượng phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chống dịch và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an ninh, an toàn nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông năm qua tiếp tục có chuyển biến tốt.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ (23,32%), số người chết giảm 1.068 người (15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (28,16%). Ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.

Phân tích nguyên nhân từ 9.228 vụ tai nạn giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, có 18,25% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 9,16% do chuyển hướng không chú ý; 5,03% do vượt xe sai quy định; 4,01% do vi phạm tốc độ xe chạy; 3,66% do sử dụng rượu bia; 0,03% do người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 2,86% do người đi bộ sang đường không đúng quy định; 0,53% do dừng, đỗ sai quy định; 0,27% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; 0,24% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; 44,03% là các nguyên nhân khác.

55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là: An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt, tại An Giang và Sơn La đã giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2020 là: Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình, trong đó, hai tỉnh Kiên Giang và Thái Bình có số người chết tăng trên 10% trở lên.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

Đánh giá về những chỉ số tích cực trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, có nguyên nhân khách quan là do tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp nên từ cuối tháng 6/2021 ở nhiều địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, một số địa phương tuy không thực hiện giãn cách xã hội nhưng ban hành các quy định chặt chẽ về phòng, chống dịch đối với người và phương tiện ra/vào địa bàn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu (nhất là hoạt động giao thông trên các tuyến liên tỉnh và giao thông nội bộ của các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16), dẫn đến hoạt động giao thông bị đình trệ, số lượng và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm nhiều so với trước đó, do vậy góp phần vào việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Thực tế cho thấy, lưu lượng phương tiện bình quân trên đường của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị số 15 chỉ bằng 40-50% và khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg chỉ còn bằng 10-15% so với lưu lượng giao thông ngày bình thường. Lưu lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ kết nối với khu vực 19 tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị số 16 và trên các tuyến ra/vào Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh từ sau khi áp dụng Chỉ thị 19/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội chỉ còn ở mức từ 15-20% so với trước dịch. Hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không cơ bản ngưng trệ từ ngày 25/8/2021.

Bên cạnh đó, còn do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc chọn và xác định chủ đề Năm An toàn giao thông 2021 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chủ động điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19.

Lực lượng Công an thực hiện hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai 3 đợt xử lý vi phạm theo các chuyên đề, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm... Đặc biệt, việc tổ chức hệ thống chốt kiểm dịch với sự tham gia của lực lượng Cảnh sát giao thông (từ cấp tỉnh đến cấp huyện) trên những tuyến giao thông huyết mạch và địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời chuyển đổi nội dung và hình thức tuyên truyền, đặc biệt là áp dụng hình thức tuyên truyền trực tuyến, tuyên truyền trên các nền tảng kỹ thuật số, gắn tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân.

Theo đó, số vụ vi phạm trật tự, an toàn giao thông cũng giảm đi. Tính đến ngày 14/12/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2,88 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 2.808 tỷ đồng, tước 248,6 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 460 nghìn phương tiện các loại. So với năm 2020, xử lý giảm 796,6 nghìn trường hợp (21,64%), tiền phạt giảm 478,5 tỷ đồng (14,56%).

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nam-2021-tai-nan-giao-thong-giam-sau-ca-ba-tieu-chi-20220105154914547.htm